Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ xây dựng bản đồ của những khu vực ngoài khu bảo tồn thiên nhiên và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể.
Thông tin từ Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực hợp tác với các đối tác phát triển quốc tế, đã và đang hướng tới tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học dựa trên các Khu vực có biện pháp Bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên (OECMs). Việt Nam là một trong 168 bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD). Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia CBD đã thông qua Khung đa dạng Sinh học toàn cầu Kunming - Montreal nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những mục tiêu chính của của Khung đa dạng Sinh học toàn cầu là kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của trái đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các OECM vào năm 2030 (mục tiêu 30x30). OECMs đã và đang từng bước được mở rộng và phát triển trên toàn thế giới. OECM là một khu vực được xác định về mặt địa lý, không phải là Khu bảo tồn, được quản trị và quản lý theo những phương thức nhằm đạt được kết quả tích cực và bền vững lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học nguyên vị/tại chỗ với các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái liên quan và đôi khi bảo tồn cả các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế xã hội và các giá trị có liên quan khác tại địa phương. Khái niệm OECMs đã được quốc tế công nhận.
Việt Nam hướng đến mục tiêu bảo tồn hiệu quả các hệ sinh thái tại các khu vực ngoài khu bảo tồn thiên nhiên.
Tại Việt Nam, khung pháp luật quy định việc thành lập và quản lý OECMs như một cách tiếp cận bảo tồn mang tính sáng tạo đang được tiếp tục nghiên cứu và xây dựng. Thể chế hóa các OECM không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế mà còn bảo vệ đa dạng sinh học của các sinh cảnh bị đe dọa như những vùng núi đá vôi độc lập, các vùng đồng cỏ ngập lũ theo mùa, các vùng bãi triều ven biển mà hiện nay còn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống các Khu Bảo tồn.
Trong khi các Khu Bảo tồn phải có mục tiêu chính là bảo tồn, thì các OECM có thể được quản lý với nhiều mục đích khác nhau nhưng phải đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả và dài hạn. Việc thành lập các OECMs phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và góp phần thúc đẩy bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học.
Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác phát triển được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) và Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức (BMWK), một dự án được thực hiện triển khai hoạt động rà soát các OECMs tiềm năng trên toàn tỉnh Quảng Ninh. Quá trình thử nghiệm áp dụng 4 tiêu chí đã được quốc tế thông qua vào công tác xác định các OECMs ở hai địa điểm là rừng giống Nui Hua và rừng phòng hộ Yên Lập của tỉnh Quảng Ninh, đã cung cấp cơ sở cho các đề xuất quan trọng giúp định hướng quá trình xác định các OECMs trong tương lai ở Việt Nam.
Một trong những đề xuất chính trong số đó là cần phải điều chỉnh các tiêu chí của IUCN và các công cụ đánh giá sao cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, đặc biệt là tiêu chí về ranh giới của các OECMs biển. Thực hiện các OECMs không chỉ có tiềm năng lớn cho việc mở rộng hệ thống khu vực bảo tồn hiện tại mà còn có thể đưa vào hệ thống này các loại khu vực bảo tồn khác.
Phương pháp này cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường năng lực thực hiện các cam kết quốc tế của mình trong Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) và Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Kunming-Montreal. Một trong những nội dung chính của Khung này chính là mục tiêu 30x30 nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và nước trên thế giới vào năm 2030. Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có 7% diện tích đất và dưới 2% diện tích biển của Việt Nam được bảo tồn.
Việt Nam cần xây dựng bản đồ của những khu vực ngoài khu bảo tồn thiên nhiên và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể các hệ sinh thái.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần xây dựng bản đồ của những khu vực khu bảo tồn thiên nhiên và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể. Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc công nhận các OECMs, Việt Nam sẽ đạt được bước tiến đáng kể đối với hệ thống các khu bảo tồn và bảo vệ. Đây chính là nền tảng để thực hiện các cam kết đầy tham vọng của Việt Nam trong Công ước Đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc và thực hiện Mục tiêu 30x30 tại Việt Nam Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cho rằng, việc thực hiện OECM tại Việt Nam cần được tiếp cận một cách toàn diện, đảm bảo sự tham gia chủ động của cấp cơ sở và cộng đồng địa phương. WWF mong muốn phối hợp với các bên liên quan trong việc lựa chọn, thí điểm một vài mô hình OECM ở khu vực Trung Trường Sơn, đóng góp cho việc hoàn thiện Khung pháp lý và các chính sách cho các OECMs của Việt Nam trong những năm tới.
Việt Nam ký tham gia Công ước về đa dạng sinh học vào ngày 28/5/1993, được phê chuẩn vào ngày 16/11/1994, trở thành thành viên chính thức của công ước vào ngày 14/2/1995 và là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn công ước. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện công ước này. Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học, luật hóa có hệ thống và thống nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Luật Đa dạng sinh học được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu nêu trên.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Tại nhiều nơi, nguồn nước bị cạn kiệt, sự sống của các loài động, thực vật bị đe dọa nghiêm trọng, hệ sinh thái bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Cùng với việc khôi phục mạnh mẽ các hệ sinh thái tự nhiên thông qua việc trồng rừng, bảo vệ rừng tự nhiên, các khu bảo tồn tự nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, rừng ngập mặn...,cộng đồng xã hội mong muốn Quốc hội và Chính phủ quyết liệt hơn nữa với công cuộc phục hồi đa dạng sinh học trước khi quá muộn.
Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi cả nước cùng thực hiện sáng kiến trồng một tỷ cây xanh giai đoạn năm 2021-2025. Đây là một chiến dịch rất có ý nghĩa, mang lại lợi ích tự nhiên và kinh tế-xã hội to lớn. Nhiệm vụ của đề án là trồng thành công một tỷ cây xanh phù hợp điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương; trong đó, trồng 690 triệu cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn), bình quân trồng 138 triệu cây/năm.
Về trồng cây xanh trong rừng tập trung, đề án nêu rõ: 180.000 ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36.000 ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm) gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 30.000 ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6.000 ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất 150.000 ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30.000 ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm thực hiện, triển khai và đạt được những kết quả tích cực.
Đức Nam