Trong 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Nghi lễ và trò chơi kéo co có sự tương đồng với di sản của Hàn Quốc, Campuchia, Philippines và đã trở thành di sản văn hóa đa quốc gia của nhân loại. Ở tầm toàn cầu, loại hình di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia, liên khu vực là xu thế đang được các nước thúc đẩy mạnh mẽ. Cùng xu thế này, thời gian qua, việc ghi danh di sản liên tỉnh, liên vùng ở nước ta cũng có bước khởi động, nhằm huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy tốt hơn các giá trị di sản.
Nghi thức “kéo co ngồi” tại Lễ hội đền Trấn Vũ 2023 - Ảnh: Nhật Quang
Hoạt động phối hợp, gắn kết chặt chẽ cùng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia, thể hiện xu hướng chung trong hợp tác và nỗ lực trong bảo vệ di sản ở tầm toàn cầu.
Từ nỗ lực liên kết đa quốc gia...
Năm 2013, Việt Nam và các nước: Hàn Quốc, Campuchia, Philippines đã cùng tham gia xây dựng hồ sơ di sản đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co. Năm 2015, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia này được tổ chức UNESCO ghi danh với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là di sản đa quốc gia duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Nhìn sang các nước khác, năm 2010, kỹ thuật săn chim ưng được UNESCO ghi danh là di sản đa quốc gia với sự tham gia của 24 nước, trải dài trên một khu vực rộng lớn, gồm cả châu Á và châu Âu.
Năm 2013, UNESCO tôn vinh ẩm thực và công nhận Chế độ ăn vùng Địa Trung Hải với sự tham gia của các nước Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italia và Ma-rốc là di sản văn hóa nhân loại... Sau khi ghi danh, nhiều di sản tiếp tục làm tốt việc bảo tồn, phát huy các giá trị và mở rộng cộng đồng thực hành, giúp cho việc nhận diện di sản ngày càng tốt hơn.
Đối với di sản phi vật thể đa quốc gia, có sự phối hợp cùng xây dựng hồ sơ của các nước thì việc xem xét, bầu chọn không giới hạn số lượng hằng năm - Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết: Hiện nay, số lượng các di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia đề xuất UNESCO ghi danh quá nhiều. Trong khi đó, theo quy định của UNESCO, trong hai năm, mỗi quốc gia chỉ được đề xuất một hồ sơ để ghi danh. Tuy nhiên, đối với di sản phi vật thể đa quốc gia, có sự phối hợp cùng xây dựng hồ sơ của các nước thì việc xem xét, bầu chọn không giới hạn số lượng hằng năm. Từ quy định này, nhiều nước đang phối hợp và gắn kết chặt chẽ xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia. Điều đó thể hiện xu hướng chung trong hợp tác, liên kết cùng nhau trong nỗ lực bảo vệ di sản ở tầm toàn cầu.
Là một trong những quốc gia có số lượng di sản văn hóa phi vật thể cao ở khu vực châu Á, Việt Nam thể hiện nỗ lực trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đóng góp vào bức tranh đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mặc dù Việt Nam mới chỉ có những bước đi đầu tiên trong liên kết xây dựng hồ sơ di sản đa quốc gia, nhưng từ xu thế chung và hiệu quả tầm nhìn liên kết, chúng ta đang hướng tới xây dựng những hồ sơ công nhận di sản văn hóa liên vùng, tỉnh và thành phố, gắn kết di sản vật thể với phi vật thể, gắn bảo tồn với phát huy và sáng tạo từ những giá trị di sản đó một cách hiệu quả và bền vững.
... Đến cơ chế xây dựng hồ sơ di sản liên tỉnh, thành phố
Tháng 9/2023, vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cùng quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) trở thành di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và là di sản vật thể liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Với di sản phi vật thể, chúng ta cũng đã có nhiều di sản liên tỉnh được UNESCO ghi danh, như: Đờn ca tài tử Nam Bộ (có ở 24 tỉnh, thành phố); ca trù (có ở 14 tỉnh, thành phố); dân ca quan họ Bắc Ninh (có ở Bắc Ninh và Bắc Giang); thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (có ở các tỉnh miền núi phía bắc)... Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu kho tàng di sản liên vùng, liên tỉnh đồ sộ như Chèo, Mo Mường, còn lĩnh vực ẩm thực có phở, bánh mì,...
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội) chia sẻ: Hà Nội nhận được đề cử chủ trì cùng một số tỉnh thực hiện đề án xây dựng hồ sơ ẩm thực Phở, đề nghị UNESCO ghi danh di sản thế giới. Đây là loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo và khó làm. Hà Nội cũng đã xây dựng hồ sơ ghi danh Phở trên địa bàn thành phố ở lĩnh vực tri thức dân gian. Với mục tiêu và mong muốn hồ sơ Phở được đệ trình UNESCO xem xét ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, song điều này phụ thuộc vào chủ trương, sự phối hợp giữa các địa phương. Cùng với đó, để vinh danh các giá trị di sản văn hóa Mo Mường và Chèo, Hà Nội đang xây dựng hai bộ hồ sơ quốc gia di sản văn hóa, liên kết phối hợp Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Bình... xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh di sản Mo Mường và Chèo.
Có thể nói, Việt Nam đã có kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản văn hóa ở lĩnh vực vật thể và phi vật thể đa quốc gia cũng như liên tỉnh. Tuy nhiên, trong nội tại, tính liên kết giữa cộng đồng trong bảo vệ di sản rất lỏng lẻo; nhận thức về việc ghi danh chưa đầy đủ, dẫn đến thiệt thòi cho cộng đồng và di sản. Một minh chứng là năm 2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co được ghi danh ở hạng mục hồ sơ đa quốc gia cùng với Campuchia, Hàn Quốc và Philippines, nhưng ở nước ta, cộng đồng nào biết cộng đồng ấy trong việc tự bảo vệ, trao truyền, gìn giữ di sản. Trong khi đó, từ năm 2018, Hiệp hội bảo tồn kéo co Hàn Quốc đã chủ động thăm và giao lưu về nghi lễ và trò chơi kéo co tại đền Trấn Vũ (Hà Nội). Sau tám năm được ghi danh, tháng 11/2023, lần đầu tiên mới có một liên hoan trình diễn Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra, với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân, người thực hành Nghi lễ và trò chơi kéo co (đến từ các địa phương: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội) và Hội Kéo co Gijisi của thành phố Dangjin (Hàn Quốc).
Nhìn từ góc độ địa phương về bảo vệ di sản, trường hợp Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ được coi là một điển hình về đường lối và chủ trương bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Năm 2011, Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Chỉ sau sáu năm nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng và đến năm 2017, di sản Hát Xoan Phú Thọ nhanh chóng đổi danh hiệu, chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Nhìn sang trường hợp Ca trù, năm 2009 được ghi danh trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Loại hình nghệ thuật biểu diễn này có mặt ở 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Từ năm 2016, Hà Nội tập trung phát triển các tài năng trẻ ca trù. Hiện nay, Hà Nội có 14 câu lạc bộ ca trù thực hành và hoạt động tốt. Dù ca trù được hồi sinh, câu lạc bộ ca trù tăng về số lượng, các liên hoan, quảng bá, lớp truyền dạy ca trù được tổ chức thường xuyên, nhưng kết quả là ca trù vẫn chưa được ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp.
Có thể thấy, chúng ta chưa đầu tư thích đáng cho cơ chế xây dựng hồ sơ đa quốc gia và ghi danh hồ sơ liên vùng, liên tỉnh và chưa chú trọng việc liên kết giữa các địa phương để bảo tồn, bảo vệ di sản tốt hơn. Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “Chúng ta đang thiếu cơ chế cho các di sản liên tỉnh, đa quốc gia. Nhà nước chưa có cơ chế, các viện nghiên cứu chưa xây dựng đề án đề xuất giải pháp bảo vệ di sản hữu hiệu. Khi chưa xác định rõ quan điểm và cơ chế, các địa phương có di sản sẽ lúng túng”.
Việc bảo vệ di sản cần được nhìn nhận trong mối liên hệ giữa các cộng đồng có chung di sản, vùng văn hóa, cùng tập quán để trong tương lai có nhiều hồ sơ đa quốc gia, liên vùng hơn. Quan trọng là phải sớm có quy định cụ thể các tiêu chí lập hồ sơ, cơ chế quản lý di sản liên vùng, liên tỉnh cùng quy chế mở rộng cộng đồng tham gia theo các điều khoản của UNESCO.
Ngọc Liên