Cá nhân khi đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Đối với công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ: Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này. Cụ thể, tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát;
Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý; Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Du khách thập phương đi lễ đền Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Các cá nhân, khi đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa; Giữ gìn vệ sinh công cộng; Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.
Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định rõ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch; phát triển cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường; Tổ chức thực hiện quy định về khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
6 tiêu chí môi trường trong lễ hội truyền thống
Trước đó, ngày 3/8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” với 9 nhóm tiêu chí. Theo đó, Nhóm tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường có 6 tiêu chí: Thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật; Thực phẩm bày bán được bảo quản đúng cách, thường xuyên được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; Sản phẩm bày bán đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng; Bố trí khu vệ sinh đảm bảo thuận tiện phù hợp với di tích, lễ hội; Trang bị hệ thống thu gom, chứa rác thải; phân loại, xử lý rác thải; Rác thải thường xuyên được thu gom, được bỏ vào nơi quy định, không xả rác bừa bãi.
6/6 tiêu chí đều yêu cầu cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội, cơ sở cung ứng dịch vụ phải có trách nhiệm thực hiện. Riêng tiêu chí “Rác thải thường xuyên được thu gom, được bỏ vào nơi quy định, không xả rác bừa bãi” yêu cầu người tham gia lễ hội cũng phải cùng thưc hiện. Việc sử dụng Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa là mục tiêu chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, vừa là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Điều này sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội.
Quỳnh Vân