Theo Luật Du lịch năm 2005, du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Hiện nay loại hình du lịch kết hợp khám phá văn hóa đang trở thành xu hướng mới, mang đến lợi ích kép là du khách có được những trải nghiệm thú vị, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa.
Từ kết quả khảo sát khách du lịch quốc tế tại Việt Nam cho thấy: 90% khách thích nghe hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số địa phương; 71% khách muốn được ngủ và ăn ngay tại các làng người dân tộc thiểu số; 81% du khách muốn được tham gia các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm...; 83% du khách muốn mua đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình... Thanh Hóa là tỉnh có số lượng di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Song, nếu dựa trên những tiêu chí này để liệt kê ra những sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc riêng trên địa bàn Thanh Hóa, không phải là chuyện dễ.
Khu vực phía Tây Thanh Hóa là nơi cư trú chủ yếu của người Mường, Thái, Mông, Khơ Mú... Khi đời sống vật chất phát triển hơn cũng là lúc nguy cơ xâm lăng văn hóa diễn ra nhanh chóng, sự mai một về các giá trị truyền thống ngày càng rõ rệt. Để giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người, các huyện miền núi xứ Thanh đã phát huy lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc để phát triển du lịch, thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Phải công nhận là nhờ có du lịch mà đồng bào các dân tộc thiểu số phần nào khôi phục được nghề thêu dệt, tập lại các điệu múa, điệu khèn cổ; sử dụng ngay các ngôi nhà sàn để làm dịch vụ homestay, nấu các món ăn đặc thù của dân tộc, tổ chức nhảy sạp, uống rượu cần... Tuy nhiên đến nay, ngoài Pù Luông (Bá Thước), thì các khu du lịch cộng đồng khác như bản Bút ở xã Nam Xuân, bản Hang ở xã Phú Lệ (Quan Hóa); bản Mạ (Thường Xuân)... lượng khách còn lẻ tẻ.
Mùa xuân cũng chính là mùa lên ngôi, mùa mà du lịch tâm linh phát triển. Chúng ta có 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, cùng rất nhiều di tích quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có hơn 70 khu điểm du lịch đã được công nhận. Ngoài văn hóa vật thể, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ.
Song, hầu hết các điểm đến hiện nay đều đang tổ chức chưa bài bản, nhận thức của cộng đồng về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch chưa thực sự đầy đủ. Và đặc biệt là chưa tìm ra sản phẩm du lịch “đặc sản” của địa phương.
Nếu ai đã từng tham gia vào các tour đêm tại Di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và gần đây nhất là Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám công nghệ 3D Mapping thì sẽ thấy cách khai thác văn hóa của các địa điểm này mang tới một trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho du khách. Tham gia tour đêm, du khách sẽ nhận ra sự khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá ban ngày, nhờ sự hội tụ những sáng tạo từ công nghệ hiện đại để tạo nên một bữa tiệc của ánh sáng, âm thanh và cảm xúc.
Rõ ràng, du lịch văn hóa cần có những điểm “chạm” mới để thu hút du khách. Chúng ta không thể mãi tự hào chỉ với việc sở hữu số lượng di sản văn hóa lớn. Quan trọng hơn phải là khai thác văn hóa, từ đó tạo nên những giá trị mới, khiến du khách không chỉ đến một lần, lướt qua trong chốc lát. Và để có được điểm “chạm” ấy cần hơn hết là sự sáng tạo trong cách kể câu chuyện của mình, “thổi hồn” cho những di tích, di sản đang có bằng nhiều trải nghiệm mới.
Huyền Chi