Trợ lực cho du lịch vùng Tây Quảng Nam

Cập nhật: 27/02/2024
So với khu vực thành thị đông đúc, vùng Tây Quảng Nam vẫn còn vô số dư địa để phát triển du lịch sinh thái, tâm linh gắn với bản sắc văn hóa, tuy nhiên để kéo khách về đây vẫn cần thêm trợ lực.

Vùng Tây Quảng Nam với những địa phương có đa dạng văn hóa đời sống, lễ hội, làng nghề,... đến nay được đánh giá là nguồn dư địa dồi dào để phát triển du lịch nhằm giảm tải cho vùng đô thị.

Áp lực hạ tầng

Phía Tây Quảng Nam, đặc biệt là các địa phương miền núi có dãy Trường Sơn hùng vĩ, rừng nguyên sinh, có cung đường Hồ Chí Minh cùng các khu di tích lịch sử, Cửa khẩu quốc tế,... và giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người đồng bào dân tộc thiểu số với các lễ hội đặc trưng, lối sống sinh hoạt hằng ngày, làng nghề truyền thống nổi tiếng,… Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành nên những sản phẩm du lịch riêng, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử, du lịch phượt, nghỉ dưỡng,...

Các sản phẩm này đều gắn với định hướng du lịch xanh mà Quảng Nam đã đặt mục tiêu từ lâu và có nhiều kết quả tích cực. Và thời gian qua, ngành du lịch Quảng Nam đã tích xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch vùng Tây và nhận được nhiều sự chú ý. 

Vùng Tây Quảng Nam có dãy Trường Sơn hùng vĩ, rừng nguyên sinh, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, có hệ thực vật, thảo dược,... là chất liệu quý để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì du lịch tại đây vẫn chưa thực sự được đầu tư tương xứng, hiệu quả. Cụ thể hơn, kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều và các vấn đề về hạ tầng, nguồn nhân lực,... đã khiến nhiều đơn vị trở nên lăn tăn.

Bà Phạm Thị Nghĩa – Đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang (huyện Đông Giang) cho hay để đến với khu du lịch thì khách phải đi qua nhiều tuyến đường, đặc biệt là tuyến ĐT 609 tại Quảng Nam. Tuy nhiên, bà Nghĩa cho rằng việc di chuyển trên tuyến đường này còn khá khó khăn mặc dù địa phương đã có nhiều phương án tu sửa.

Theo vị này, khi đến với Đông Giang, khách du lịch không chỉ ghé qua Khu du lịch Cổng trời Đông Giang mà còn có thể ghé thăm làng văn hóa cộng đồng tại thôn A Sờ,... Tuy nhiên, thiên tai xảy ra liên miên đã khiến hạ tầng xuống cấp, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với địa phương nhưng việc khắc phục sự cố ở tuyến đường này vẫn gặp nhiều trở ngại.

“Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc khắc phục các sự cố thiên tai để việc đi lại của du khách được thuận tiện hơn và du lịch tại địa phương cũng có thêm động lực phát triển. Ngoài những sự cố thiên tai thì bà Nghĩa còn cho rằng hạ tầng giao thông không có hành lang, viễn thông cũng đang mang lại nhiều rào cản. Vì vậy, nếu khi có sự cố thì để tìm kiếm được sự hỗ trợ tốn rất nhiều thời gian, công sức”, bà Nghĩa nói.

Hoạt động biểu diễn tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang thu hút du khách.

Với đề xuất về du lịch xanh, bà Nghĩa cho rằng vùng phía Tây có những làng nghề nông nghiệp lớn và trên tuyến đường đến với Đông Giang đều sẽ qua đây. Vì vậy, bà Nghĩa đề xuất có thể tổ chức thêm nhiều điểm trải nghiệm tại các làng nghề, làng văn hóa cộng đồng,... để tăng trải nghiệm cho du khách.

“Với câu chuyện mở rộng dư địa, chúng ta có thể lấy vùng lõi Hội An xây dựng thêm nhiều tour, sản phẩm du lịch liên kết trải dài lên đến Đại Lộc, Đông Giang,... để trải đều lượt tham quan trên toàn địa bàn”, bà Nghĩa đề xuất.

Tương tự, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng tại địa phương cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở ăn uống, vui chơi, giải trí tại địa phương hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, đơn điệu. Theo vị này, tuy du lịch sinh thái và du lịch văn hóa không chú trọng lắm tới sự hiện đại của cơ sở vật chất, nhưng cần có sự phục vụ tối thiểu như điện, thông tin liên lạc, mạng internet, cơ sở lưu trú,...

“Ngoài ra, chưa có doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, kinh doanh du lịch tại huyện, nhận thức của người dân về du lịch còn khá mới mẻ, chưa có lực lượng lao động tham gia vào hoạt động du lịch hoặc chưa được đào tạo các nghiệp vụ về du lịch. Đặc biệt, công tác tuyền thông tiếp thị, quảng cáo, tuyên truyền chưa được nhiều, thiếu động lực thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền và các nhà đầu tư để họ quan tâm hơn đến việc ưu tiên đầu tư cho bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn huyện”, ông Dũng nói.

Tìm thêm trợ lực cho du lịch vùng Tây

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho hay thời gian tới, địa phương sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng. Qua đó nhằm giảm tải cho khu vực di sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và cân bằng phát triển du lịch giữa các vùng trong tỉnh.

“Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa đặc sắc tại các huyện miền núi, phát triển loại hình du lịch chữa bệnh từ các nguồn dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ liên kết với các nước Lào, Thái Lan để thúc đẩy thu hút khách du lịch thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) - Đắc Tà Ọoc (tỉnh Sê Kông, Lào), liên kết với các tỉnh Tây Nguyên để đón dòng khách từ Tây Nguyên. Đặc biệt là phát triển du lịch bền vững, gắn với lợi ích của cộng đồng, của doanh nghiệp, phát huy tinh thần tự tôn, tự hào về bản sắc văn hóa bản địa, hỗ trợ cộng đồng cùng tham gia và nắm giữ vai trò chủ thể trong các hoạt động du lịch tại điểm đến”, ông Hồng thông tin.

Với định hướng sắp tới, Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh tạo sự thoải mái, yên tâm cho du khách khi đến với Quảng Nam, đồng thời chính quyền các cấp cần phải có hỗ trợ về cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chất lượng mới tạo ra những sản phẩm chất lượng. Với du lịch xanh, tỉnh Quảng Nam có chủ trương phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.

Quảng Nam sẽ tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa,,... phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái,...

Trong đó, một mặt, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống người dân. Mặt khác, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đẳng cấp tại khu vực ven biển để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, đồng thời giảm áp lực cho các khu di sản.

“Tỉnh Quảng Nam xác định phát triển du lịch bền vững cần phải gắn với lợi ích của cộng đồng, của doanh nghiệp, phát huy tinh thần tự tôn, tự hào về bản sắc văn hóa bản địa, hỗ trợ cộng đồng cùng tham gia và nắm giữ vai trò chủ thể trong các hoạt động du lịch tại điểm đến. Đồng thời, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh tạo sự thoải mái, yên tâm cho du khách khi đến với Quảng Nam, đồng thời chính quyền các cấp cần phải có hỗ trợ về cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chất lượng mới tạo ra những sản phẩm chất lượng”, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam chia sẻ.

Tuấn Vỹ

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - diendandoanhnghiep.vn - Đăng ngày 27/02/2024