Huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) gồm 4 xã đảo nằm tách biệt nhau. Với địa bàn trải rộng trên vùng Biển Tây, Kiên Hải có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó hai mũi nhọn là du lịch và nuôi biển.
Hòn Tre nhìn từ xa. Ảnh Đức Bình
Tiềm năng được đánh thức
Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, nằm cách trung tâm TP. Rạch Giá hơn 50 km, có diện tích 1.082,9 ha. Ngoài cái tên Hòn Sơn, đảo còn được gọi với các tên khác là Hòn Rái hoặc Hòn Sơn Rái. Nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, Hòn Sơn sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh như bãi tắm Bãi Bàng, miếu Bà Cố, chùa Hải Sơn và đỉnh Ma Thiên Lãnh…
Giữa năm 2018, Hòn Sơn cùng với quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải và quần đảo Hải Tặc, TP. Hà Tiên được chính quyền tỉnh Kiên Giang công nhận là 3 khu du lịch địa phương.
Bà Lê Thị Xem (68 tuổi), ngụ ấp Bãi Nhà B, xã Lại Sơn có hơn 40 năm sống ở Hòn Sơn. Khi bà Xem đến Hòn Sơn định cư, đảo còn hoang sơ, vắng vẻ; nhưng nay trên đảo đã có đường giao thông, cầu cảng, trường học, trạm y tế, lưới điện quốc gia và cả hồ nước ngọt.
Bà Xem cho biết từ khi xã đảo Lại Sơn trở thành khu du lịch, địa phương đã có sự đổi thay nhanh chóng. Không chỉ người dân tại chỗ có thêm điều kiện đầu tư phát triển du lịch mà một số doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đất liền đến Lại Sơn xây dựng cơ sở, mở dịch vụ phục vụ du khách.
Du khách đến đảo ngày càng đông, trong đó có cả du khách quốc tế. Dịp lễ, tết, hè khách ra vào đảo nườm nượp. Du lịch phát triển, đời sống người dân đổi thay, nâng cao. Nhiều hộ gia đình phất lên từ kinh doanh du lịch, bán hàng quán, hải sản, nuôi cá lồng bè…
“Giờ sống ở đảo không thiếu thứ gì! Tôi đã lớn tuổi, thỉnh thoảng mới đi vòng quanh đảo, nhưng mỗi lần đi lại thấy xã đảo có nhiều đổi mới. Tôi bất ngờ khi thấy diện mạo mới của xã hôm nay”, bà Xem bộc bạch.
Anh Huỳnh Phước Thọ, ngụ ấp Bãi Nhà B, xã Lại Sơn cho rằng Hòn Sơn có nhiều bãi biển đẹp như Bãi Bấc, Bãi Đá, Bãi Giếng; nhiều điểm leo núi, di tích lịch sử, văn hóa; hải sản phong phú, tươi ngon… Để du lịch địa phương tiếp tục phát triển, chính quyền và ngành chức năng cần đẩy mạnh vận động, khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp ra đảo đầu tư các dự án du lịch.
Cùng với đó, nghiên cứu thực hiện thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, lạ; thường xuyên kiểm soát, quản lý tốt hoạt động kinh doanh du lịch, giữ giá dịch vụ bình dân để “giữ chân” du khách. Lại Sơn nên chú trọng phát triển cơ sở lưu trú chất lượng cao, định hướng phát triển mô hình du lịch cộng đồng vừa mang lại nguồn sinh kế cho người dân vừa góp phần phát triển du lịch địa phương.
Một góc Hòn Sơn, xã đảo Lại Sơn. Ảnh Trung Hiếu
Không gian phát triển du lịch
Theo phương án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của UBND tỉnh Kiên Giang, Kiên Hải trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của tỉnh, với những hoạt động nổi bật như dịch vụ du lịch biển, đảo dựa vào cộng đồng, nuôi biển - chế biến thủy, hải sản phục vụ du khách.
Theo phương án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xã đảo Lại Sơn lấy du lịch làm mũi nhọn để phát triển kinh tế. Tại khu vực Bãi Nhà sẽ lấn biển phát triển đô thị, kết nối với khu dân cư hiện hữu; chuyển đổi đất rừng, đất trồng cây lâu năm để phát triển khu dân cư và du lịch.
Khu vực Bãi Nhà, Bãi Bấc sẽ cải tạo, chỉnh trang các khu vực làng xóm hiện hữu, thực hiện tái định cư cho dân cư khu vực Bãi Thiên Tuế. Hình thành, mở rộng các khu du lịch tại khu tây bắc, Bãi Thiên Tuế, Bãi Bàng, Ma Thiên Lãnh… khai thác tiềm năng, lợi thế rừng, biển.
Tại quần đảo Nam Du gồm hai xã An Sơn và Nam Du phát triển thành điểm du lịch cấp vùng, lấy du lịch làm trọng điểm trong phát triển kinh tế, khai thác tối đa tiềm năng rừng, biển, không gian sinh thái. Hình thành, mở rộng các khu du lịch tại khu vực Hòn Lớn (xã An Sơn) như Bãi Cây Mến, Bãi Sỏi, Bãi Nhum, Bãi Đất Đỏ.
Khách du lịch chụp ảnh tại bãi cây dừa nằm trên Hòn Sơn, xã đảo Lại Sơn. Ảnh: Đức Bình
Phát triển du lịch tại các đảo nhỏ, biệt lập; định hướng mô hình resort, khách sạn cao cấp quy mô cả đảo. Cùng với đó, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng resort trên biển theo hình thức thuê mặt biển 50 năm; tăng kết nối giao thông giữa các đảo, cụm đảo...
Ở xã đảo Hòn Tre, khu vực Động Dừa sẽ lấn biển phát triển hỗn hợp các chức năng ở, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Phát triển các cụm trung tâm du lịch liên kết với khu dân cư trung tâm bao gồm cụm du lịch phía bắc, Bãi Chén và Đuôi Hà Bá. Phía tây nam của đảo hình thành không gian tự nhiên rộng lớn gồm rừng phòng hộ và cây lâu năm…
Bí thư Huyện ủy Kiên Hải Trần Quốc Việt cho biết mục tiêu đến năm 2025 Kiên Hải trở thành huyện phát triển mạnh về du lịch và nuôi trồng thủy sản; năm 2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm về phát triển du lịch, đồng thời là huyện đứng tốp đầu về sản lượng nuôi trồng thủy sản.
“Chúng tôi đã chọn 4 khâu đột phá để phát triển huyện đảo Kiên Hải. Đó là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hoàn chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch theo hướng bền vững và lĩnh vực nuôi biển”, đồng chí Trần Quốc Việt nhấn mạnh.
Du khách check-in với “cây cô đơn” trên Hòn Lớn, xã đảo An Sơn. Ảnh: Trung Hiếu
Cần linh hoạt trong khai thác
Định hướng phát triển du lịch biển có vai trò đặc thù và vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển trên địa bàn huyện Kiên Hải. Vì vậy, chính quyền cần tập trung đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh. Du lịch Kiên Hải cần đặt trong mối quan hệ với cụm du lịch Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận; trong đó, sản phẩm du lịch của Kiên Hải và phụ cận như Hòn Đất trở thành các điểm du lịch vệ tinh nâng cao hoạt động trải nghiệm của du khách.
Một trong những vấn đề mà ngành du lịch các địa phương có biển, đảo đang gặp là sự trùng lắp và “giẫm chân” lên nhau, dẫn đến thiếu liên kết để phát triển. Du lịch biển, đảo phải nằm trong hoạch định của vùng, không những tránh khai thác trùng lặp mà còn hỗ trợ, tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm đa dạng và phong phú hơn.
Mỗi địa phương cần tạo ra những đặc thù riêng dựa trên các yếu tố khác biệt về cảnh quan, địa lý, văn hóa. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, các loại hình dịch vụ phục vụ phát triển du lịch đồng bộ, theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của du khách.
Du khách đi tàu khám phá Hòn Sơn, xã đảo Lại Sơn. Ảnh: Trung Hiếu
Hiện nay, các tour du lịch biển, đảo chưa có sự quan tâm đúng do gặp phải những khó khăn nhất định như điều kiện an toàn cho du khách, sức khỏe của du khách khi tham gia du lịch biển dài ngày, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách...
Để khắc phục những khó khăn trên cần phải phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tăng cường công tác quảng bá, thu hút các dự án đầu tư phát triển các loại hình như du lịch sinh thái gắn với tài nguyên du lịch biển, ngắm rạn san hô; du lịch làng nghề; du lịch sinh thái vườn; sinh thái rừng; du lịch cộng đồng homestay; du lịch gắn với lễ hội, tín ngưỡng dân gian. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch để kêu gọi đầu tư và thu hút du khách. Chú trọng phát triển nhanh nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong những năm tới.
Đồng chí Trần Quốc Việt cho rằng để Kiên Hải phát triển phù hợp với quy hoạch, địa phương sẽ tuân thủ những nguyên tắc cứng, nhưng sẽ linh hoạt trong việc vận dụng cơ chế, chính sách để áp dụng. Hiện tại và trong thời gian tới, Kiên Hải sẽ triển khai một số giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện tập trung khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy kinh tế phát triển. Kiên Hải sẽ khai thác tài nguyên hiệu quả và phát triển kinh tế biển bền vững; trong đó nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn.
“Giải pháp có tính quyết định là Kiên Hải sẽ tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường…”, đồng chí Trần Quốc Việt nói.
Việt Tiến