Nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, Ninh Thuận sở hữu các hệ sinh thái rừng, biển, bán sa mạc, mang những nét khác biệt, độc đáo. Phát huy lợi thế, tỉnh đang nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Danh thắng Vịnh Vĩnh Hy nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Đa dạng động, thực vật quý, hiếm
Tại Ninh Thuận, tài nguyên đa dạng sinh học điển hình, tập trung nhất tại Vườn Quốc gia Núi Chúa (được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2021) và Vườn Quốc gia Phước Bình. Trong đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích trên 106.646 ha, vùng lõi rộng 15.752 ha (thuộc địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc). Nơi đây hội tụ ba không gian rừng, biển, bán sa mạc, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Theo đánh giá của các nhà khoa học, hệ sinh thái rừng ở khu vực này có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu, được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên trái đất.
Khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, Vườn Quốc gia Núi Chúa đại diện cho vùng sinh thái bán khô hạn và vùng sinh thái ẩm với 6 kiểu rừng khác nhau. Nơi đây có 1.514 loài thực vật, trong đó có 27 loài đặc hữu cho Vườn Quốc gia Núi Chúa và khu vực Nam Trung Bộ, có 54 loài thực vật có tên trong Sách đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam.
Tại những khu rừng này, các nhà nghiên cứu đã thống kê được 763 loài động vật, trong đó có 60 loài động vật quý hiếm, 48 loài động vật đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách Đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Không chỉ có rừng, Vườn sở hữu hơn 40 km đường biển bao quanh khu vực, với khu bảo tồn biển rộng 7.352 ha, có quần thể rùa biển lên đẻ trứng mỗi năm và rạn san hô ven bờ lớn nhất nước ta với 350 loài.
Cá thể rùa được cứu hộ, thả về biển tại Vườn quốc gia Núi Chúa (thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, Vườn Quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái) có tổng diện tích khoảng 25.000 ha. Đây là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao về cảnh quan thiên nhiên với 6 kiểu thảm thực vật chính và 8 kiểu phụ, trải dài từ độ cao 300 m đến 2.000 m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm.
Qua thống kê, Vườn Quốc gia Phước Bình hiện có 1.338 loài thực vật; trong đó có 172 loài quý hiếm, 60 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 58 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN. Hệ động vật của Vườn đa dạng với 347 loài; trong đó có 110 loài quý hiếm, 64 loài được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam, 50 loài có tên trong Sách đỏ IUCN. Đặc biệt, nơi đây có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm gồm Vượn má hung, Chà vá chân đen, Cầy vằn bắc và Mang lớn. Vườn Quốc gia Phước Bình còn được công nhận là một trong 63 vùng chim, đồng thời có số lượng bò tót và nai nhiều nhất so với các vườn quốc gia, các khu bảo tồn trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam hiện nay.
Những năm qua, nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, các lực lượng chức năng của Ninh Thuận thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng và đất rừng; thực hiện tốt các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, xây dựng phương án ứng phó các tình huống cháy rừng xảy ra và triển khai các hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 47,25%; các hệ sinh thái biển được bảo vệ, chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hướng đến phát triển bền vững
Xác định tài nguyên đa dạng sinh học có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, hằng năm, UBND tỉnh Ninh Thuận đều lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; xác định các nguy cơ gây suy giảm đa dạng sinh học, xác định và khoanh vùng bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, xây dựng kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học định kỳ hằng năm và theo chu kỳ 5 năm/lần.
Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, thực hiện Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, thực thi pháp luật về Luật Đa dạng sinh học; tập trung bảo tồn và phát triển sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh triển khai các chương trình, dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường, nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên phạm vi toàn tỉnh đối với các hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển; loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ; loài bị đe dọa, loài đặc hữu; loài ngoại lai xâm hại; nguồn gen.
Vẻ đẹp hoang sơ thảm rong biển ở thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Để triển khai thực hiện, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp; trọng tâm là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học; bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã, nhất là các loài động vật, thực vật hoang dã nhóm IA, IIA, IB, IIB và thuộc phụ lục I Công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Tỉnh cũng đưa chuyên đề bảo vệ đa dạng sinh học thành hoạt động truyền thông thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và giáo dục tại các nhà trường.
Tỉnh Ninh Thuận tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đa dạng sinh học; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và bảo vệ đa dạng sinh học; mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Du khách trải nghiệm xe địa hình trên đồi cát Sơn Hải - Mũi Dinh (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Với hệ sinh thái rộng lớn, đặc thù, tính đa dạng sinh học cao, hiện nay, cùng với nhiệm vụ ưu tiên bảo tồn, các Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình và các địa phương đang tập trung khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm khám phá rừng; du lịch biển; du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học... để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực, phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát triển diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm tính toàn vẹn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, biển nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguyễn Thành