Tại buổi tọa đàm về khí hậu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN), Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa ra cảnh báo, biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của nhiều loài sinh vật vùng Mê Kông, đặc biệt là những loài mới được phát hiện. Trong số đó, có cả những loài động vật cực kỳ quý hiếm và độc đáo như loài chim chuyên ăn những con ếch có nọc độc, loài tắc kè có hình thù kỳ lạ hay loài chim thích chạy hơn là bay.
Trong tổng số 163 loài mới được phát hiện thì có đến 100 loài thực vật, 28 loài cá, 18 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư, 2 loài thú và 1 loài chim. Tất cả đều được phát hiện vào năm 2008 tại khu vưc Mê Kông của Đông Nam Á, trải dài qua các quốc gia Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam và vùng Tây Nam của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khí hậu vùng Mê Kông đang ngày càng nóng lên, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài sinh vật, nhất là những loài mới được phát hiện.
Nước biển dâng và sự xâm mặn cũng gây ra nhiều tác động đến dải bờ biển, đặc biệt là vùng châu thổ sông Mê Kông – một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên trái đất.
Theo ông Stuart Chapman - Quản lý Chương trình WWF khu vực Mê Kông, chỉ một vài loài có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, nhưng nhiều loài thì không. Chính điều này dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của đa số các loài.
Ông cũng cho biết: “Những loài quý hiếm đang bị đe dọa và các loài đặc hữu như những loài mới được phát hiện gần đây thì càng dễ bị hủy hoại, do biến đổi khí hậu làm thu hẹp không gian sinh sống vốn đã rất hạn chế của chúng”.
Liệu có giải pháp nào hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với khu vực này hay không? Tất cả đều đang chờ đợi vào những quyết sách sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen, tổ chức vào tháng 12 tới. Tại đây, các nước trên thế giới sẽ thỏa thuận một Hiệp ước mới về khí hậu toàn cầu và bàn biện pháp “cứu” hệ sinh thái vùng Mê Kông.