Thanh Hóa: Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Cập nhật: 14/03/2024
Khu bảo tồn Pù Luông (Thanh Hóa) là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Mã, có giá trị lớn về bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn hệ sinh thái tại khu vực này.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Hóa (Thanh Hóa). Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái. Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa.

Được thành lập vào năm 1999, diện tích 17.662ha, trong đó có khoảng 13.300ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.300ha phân khu phục hồi sinh thái, đây là Khu Bảo tồn Thiên nhiên có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại, trong đó có hàng trăm loài động, thực vật được ghi tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới.

Khu BTTN Pù Luông với đa dạng sinh học cần được đẩy mạnh công tác bảo tồn. 

Thảm thực vật tại Khu BTTN Pù Luông chủ yếu là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 1.579 loài thực vật, trong đó có 58 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, 106 loài IUCN (2022), như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vù hương... Tại đây còn có 908 loài động vật, trong đó 47 loài có tên trong Sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn, 257 loài IUCN (2022), như: báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương...

Ngoài ra, ở đây còn là “thủ phủ” của hàng trăm loài bướm, lưỡng cư, động vật thân mềm khác, như: 13 loài chim, 6 loài cá, 2 loài bò sát, 17 loài côn trùng.. Hệ thống đá Karst của hệ sinh thái núi đá vôi còn lưu giữ nhiều hang động đẹp (hang Dơi Kho Mường)... Pù Luông có khoảng hơn 4.000 hộ dân là người dân tộc Thái, Mường sinh sống ở vùng lõi và vùng đệm. Đời sống người dân khó khăn nên chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Ngoài ra, hoạt động xây dựng thủy điện trên sông Mã đã ảnh hưởng tới hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học tại đây. Nhiều loài động vật, thực vật suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng.  

Năm 2023, Khu BTTN Pù Luông đã tổ chức 32 hội nghị tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng tại các xã vùng đệm với 2.724 lượt người tham gia; lập danh sách và đưa vào theo dõi quản lý 89 đối tượng tình nghi về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn; tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 39 cộng đồng vùng đệm và 7 cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng; kiểm lâm viên phối hợp với các tổ bảo vệ rừng cộng đồng các thôn vùng đệm tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh được gần 4.500 lần... Đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 dự án, 3 nhiệm vụ về BTTN; 2 đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) về nghiên cứu thử nghiệm; đề xuất mới 1 đề tài KH&CN về nghiên cứu thử nghiệm và 2 nhiệm vụ về BTTN; hoàn thành tốt các hoạt động KH&CN được giao.

Công tác bảo tồn phát triển sinh vật và dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện hiệu quả. Đơn vị đã chi trả tiền khoán bảo vệ rừng năm 2022 cho các cộng đồng và cá nhân nhận khoán; phối hợp với UBND 8 xã vùng đệm tổ chức giao khoán bảo vệ rừng đối với 39 cộng đồng vùng đệm và các cá nhân. Tổ chức trồng rừng thay thế năm 2023 đối với 2 gói thầu đã được phê duyệt với tổng diện tích 24,115ha.

Tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nhiều nhiệm vụ trong đó công tác bảo tồn sinh học được ưu tiên. Ngoài công tác tuyên truyền tới người dân về các hành vi vi phạm về đa dạng sinh học, Pù Luông đã tận dụng hệ sinh thái của xây dựng mô hình bảo tồn gắn với du lịch. Ban Quản lý Khu bảo tồn đã phối hợp cùng với Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI) xây dựng và phát triển du lịch sinh thái tại đây với tổng số tiền tài trợ là 254.152 Euro. Pù Luông đã xây dựng 20 ngôi nhà sàn tại xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa), xã Thành Sơn và Lũng Cao (huyện Bá Thước) theo truyền thống của dân tộc Thái và Mường để làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch.

Dự án cũng hỗ trợ nâng cấp cải tạo nhà vệ sinh, xây dựng các dịch vụ ăn uống chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức cho cộng đồng dân cư trong vùng lõi, vùng đệm tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn và đi thăm các mô hình du lịch sinh thái trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, du khách tìm tới Pù Luông ngày càng đông, đời sống người dân đã nâng lên. Các hành vi xâm hại tới đa dạng sinh học giảm hẳn. 

Công tác bảo tồn, khai thác giá trị tài nguyên hợp lý tại Khu BTTN được ngành chức năng thực hiện hiệu quả (Ảnh minh họa). 

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc, hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Du lịch Sinh thái, Nghỉ dưỡng, Giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đề án thực hiện trên diện tích gần 17.000ha thuộc phạm vi quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và kết nối tới các xã vùng đệm của hai huyện Bá Thước, Quan Hóa. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông sẽ đón khoảng 15.800 lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng; đến năm 2030, đạt 27.000 lượt khách, doanh thu khoảng 33 tỷ đồng; vào năm 2045, đạt 50.000 lượt khách du lịch, tổng thu khoảng 85 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa mong muốn sẽ thu hút được ít nhất 2 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; xây dựng khu hành chính tại thôn Pà Ban (xã Thành Sơn, huyện Thước); phát triển các điểm tham quan, du lịch tại thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già, quần thể Thông Pà Cò, Khu Du lịch Cao Sơn, Khu nghỉ dưỡng Sinh thái Pù Luông...

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ kêu gọi được nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu trung tâm hành chính của huyện Bá Thước, Quan Hóa tới đỉnh núi Pù Luông và kết nối với Khu Du lịch Cao Sơn (thôn Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước). Phấn đấu đến năm 2045, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa.

Thu Hằng

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 10/02/2024