TP. Hội An (Quảng Nam) sẽ triển khai xây dựng tuyến tham quan dành cho khách châu Âu khám phá rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) nhằm tạo không gian trải nghiệm riêng cho thị trường khách này.
Rừng dừa Bảy Mẫu quá ồn ào do tiếng loa nhạc. Ảnh: K.L
Quá ồn ào!
Tháng 12/2017, rừng dừa Bảy Mẫu (còn có tên gọi khác là rừng dừa nước Cẩm Thanh) chính thức mở cửa bán vé tham quan.
Sau gần 7 năm, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn bên ngoài phố cổ, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong nước, quốc tế. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, khu rừng dừa đón khoảng 269 nghìn lượt khách, tăng gần 199% so với cùng kỳ năm 2023 và gần 120% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm hoàng kim của du lịch Hội An).
Tuy nhiên, quá trình hoạt động điểm du lịch này cũng phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết như cảnh quan, không gian bị lấn chiếm, môi trường sinh thái bị tác động, đáng nói là tình trạng nhạc loa bát nháo… ảnh hưởng không nhỏ đến một số dòng khách Âu, Úc thích yên tĩnh, nhẹ nhàng.
Khách châu Âu ưa thích trải nghiệm không gian tĩnh lặng trong rừng dừa. Ảnh: K.L
Rừng dừa nước Cẩm Thanh rộng gần 50ha, bao gồm 36ha rừng tự nhiên và khoảng 24ha rừng trồng (năm 2011). Thời gian qua, du lịch chủ yếu diễn ra trong một diện tích không gian hạn hẹp.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An nhìn nhận, dư địa tài nguyên du lịch Cẩm Thanh rất phong phú nhưng hiện mới khai thác ở mức độ nhỏ, chưa tận dụng được những giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với cảnh quan sinh thái làng quê phục vụ các dòng khách cao cấp, thích trải nghiệm, nhất là những thị trường khách Âu, Úc lưu trú dài ngày tại Hội An.
“Các tour tham quan rừng dừa hiện đã quá tải, chưa kể một số hoạt động như nhảy múa thuyền thúng, hát hò ồn ào chỉ phù hợp một số thị trường khách châu Á, không phù hợp với dòng khách Âu, Úc nên cần thiết phát triển thêm tour mới dựa trên những lợi thế về cảnh quan, sinh thái, văn hóa làng dừa” - ông Sơn giải thích.
Đồng thời khẳng định, các điều kiện mở tour tuyến mới gần như có sẵn, giờ chỉ cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, nạo vét kênh rạch, bảo vệ rừng, chăm sóc môi trường cảnh quan, tái hiện một số công trình trong chiến tranh (chòi quan sát máy bay, ngắm bình minh… ) nhằm kể những câu chuyện về lịch sử đấu tranh cách mạng, kết nối các giá trị văn hóa sinh thái… tạo thêm nhiều giá trị độc đáo cho tour khám phá rừng dừa.
Đa dạng thị trường khách
Ông Nguyễn Hùng Linh - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh khẳng định, du lịch rừng dừa Bảy Mẫu phải thay đổi, đa dạng sản phẩm, không thể quá phụ thuộc vào một số thị trường. Thời gian tới, bên cạnh đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm, dịch vụ, nạo vét kênh mương, địa phương cũng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động đưa đón khách, bảo vệ rừng cảnh quan… bởi không có rừng dừa đời sống nhân dân sẽ bị ảnh hưởng.
Du khách Hàn Quốc tham quan rừng dừa đang có dấu hiệu sụt giảm trong tổng cơ cấu thị trường khách. Ảnh: K.L
Theo báo cáo của UBND xã Cẩm Thanh, trong số hơn 241 nghìn lượt khách quốc tế mua vé tham quan rừng dừa Bảy Mẫu từ đầu năm đến nay, dù du khách Hàn Quốc vẫn chiếm vị trí dẫn đầu nhưng tỷ lệ đang có dấu hiệu sụt giảm (chiếm trên 59%), trong khi khách Âu, Úc đang dần tăng cao (tỷ lệ gần 13%). Vì vậy, việc đa dạng tour tuyến thu hút thêm nhiều dòng khách ngoài thị trường Hàn Quốc, tận dụng khai thác những tiềm năng về văn hóa, làng nghề, lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương là phù hợp.
Trong chuyến khảo sát mở tour tham quan rừng dừa dành cho khách châu Âu do UBND TP. Hội An tổ chức vừa diễn ra, hầu hết ý kiến thống nhất việc đa số khách châu Âu thường thích yên tĩnh, tránh xa ồn ào nên cần nhanh chóng mở tour khám phá rừng dừa theo hướng khép kín nhằm thu hút nhiều hơn nữa thị trường khách truyền thống này.
Tour du lịch mới có thể mở rộng về hướng chân cầu Cửa Đại. Ảnh: K.L
Dù vậy, phát triển tour mới cũng cần tính toán đến các yếu tố như thủy triều, tránh trường hợp khô cạn vào mùa hè tại một số điểm kênh lạch, ghe thúng không di chuyển được. Nhất là tránh tác động đến cảnh quan, môi trường sinh sống của một số loài sinh vật biển khu vực rừng dừa… đảm bảo du lịch phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, tuy tốc độ phát triển du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh thời gian qua luôn tăng trưởng cao nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế nếu không chấn chỉnh sẽ nguy hại, thậm chí ảnh hưởng tới các thị trường khách khác.
Do đó, việc mở tour dành cho khách châu Âu là cần thiết, giúp tạo thêm lựa chọn cho những thị trường khách thích yên tĩnh, trải nghiệm các giá trị văn hóa, sinh thái, làng nghề...
Tour du lịch dành cho khách châu Âu sẽ sớm đưa vào khai thác trong năm 2024. Ảnh: K.L
Để hiện thực mục tiêu này, trước mắt xã Cẩm Thanh sẽ bố trí vốn theo phương án "lấy du lịch nuôi du lịch", khẩn trương lập thủ tục đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng, nạo vét các nhánh kênh mương. Phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cùng các đơn vị liên quan khảo sát quy hoạch vùng hoạt động du lịch tại rừng dừa như bến đón trả khách, xây dựng điểm trình diễn nghề… cố gắng đưa tour vào hoạt động trong năm 2024.
Khánh Linh