Phú Yên: Bảo tồn và phát triển quần thể rạn san hô Hòn Yến

Cập nhật: 28/03/2024
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên cùng các tổ chức bảo vệ môi trường trong và ngoài nước đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ, phát triển quần thể rạn san hô Hòn Yến.

Quần thể Hòn Yến tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có hệ sinh thái rạn san hô rất đa dạng, phong phú với 17 loài phân bố trên diện tích khoảng 12,71ha. San hô ở Hòn Yến nhiều màu sắc, gắn với đặc điểm địa chất, địa mạo,...tạo nên nét đặc trưng riêng và trở thành biểu tượng riêng cho tỉnh Phú Yên. Năm 2018, quần thể Hòn Yến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia. Việc bảo vệ môi trường sinh thái và rạn san hô ở Hòn Yến không chỉ làm đẹp thêm cho danh thắng này, mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. 

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga (Bộ Quốc phòng) đã ghi nhận có 22 loài san hô thuộc 7 họ tại Hòn Yến. Nhiều loài chỉ được ghi nhận ở vùng biển tỉnh Phú Yên. Điển hình đó là san hô mềm thuộc họ Alcyoniidae và san hô lỗ đỉnh (chi Lobophytum). Chính vì những giá trị tài nguyên này nên các chuyên gia đã có nhiều nghiên cứu để hướng tới mục tiêu thành lập các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái trên vùng biển tỉnh Phú Yên.

Nhiều chương trình được triển khai nhằm nỗ lực bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tới quần thể san hô tại đảo Hòn Yến.

Trước đó, từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2022, Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã tài trợ tỉnh Phú Yên thực hiện dự án tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, huyện Tuy An. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 3,2 tỷ đồng. Dự án đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, lợi ích về bảo tồn và khai thác bền vững hệ sinh thái. Các thành viên tham gia dự án đã trực tiếp tuyên truyền cho 1.025 hộ dân ở thôn Nhơn Hội và Hội Sơn (xã An Hòa Hải).

Theo UBND xã An Hòa Hải, nhằm bảo vệ quần thể rạn san hô Hòn Yến, ngoài các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện, địa phương đã thành lập tổ hợp tác vừa quản lý, bảo vệ, bảo tồn rạn san hô, vừa tổ chức tour du lịch cộng đồng góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Tổ hợp tác quản lý và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến được thành lập từ năm 2022, tổ hợp tác được tỉnh và huyện Tuy An giao bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Hòn Yến.

Đến nay, tổ có gần 40 thành viên, bước đầu hoạt động có hiệu quả trong việc giữ gìn và phát triển rạn san hô. Người dân địa phương cũng đã nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời tự giác phân công nhau tham gia bảo vệ rạn san hô, vì đây là sinh kế lâu dài và ổn định. Hằng tuần, các thành viên trong tổ cũng tổ chức thu gom làm sạch rác khu vực biển Hòn Yến và vận động người dân trong xã bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ…

Đầu năm 2022, Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc hỗ trợ triển khai Dự án xây dựng cơ chế tài chính bảo vệ hệ sinh thái san hô tại Hòn Yến (giai đoạn 2). Sau 2 năm thực hiện, các đơn vị đã tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng trong quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô. Địa phương cũng đã hình thành điểm tiếp đón và hướng dẫn khách tham quan các dịch vụ, du lịch theo mô hình thân thiện với môi trường. 

Tỉnh Phú Yên đã quy định phương án bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái san hô Hòn Yến đã xác lập 4 vùng chức năng. Ảnh: BDT. 

Tháng 4/2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rạn san hô Hòn Yến. Phương án bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái san hô Hòn Yến đã xác lập 4 vùng chức năng. Theo đó, vùng lõi (A0) có diện tích rạn gần 17,7ha, hiện trạng có nền rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển phân bố. Vùng lõi (A0) là vùng bảo vệ một cách nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng, tác động làm thay đổi điều kiện tự nhiên, môi trường, khả năng phục hồi, phát triển hệ sinh thái san hô, đa dạng sinh học

Vùng đệm (B1) là phân khu liên kết du lịch và nghiên cứu địa chất, có vị trí tại rạn san hô Bắc Hòn Yến và bãi tắm Phú Thường, là vùng biển bao quanh các mốc tọa độ, biên trong vùng bờ từ B1-B1a-B2-B2a, biên ngoài rạn B4-B6-B2a-B2. Vùng này kéo dài từ giới hạn của rạn san hô chết ven bờ ra đến đường đẳng sâu 15m, với tổng diện tích 22,5ha. Vùng đệm (B1) là khu vực tiềm năng có khả năng phát triển du lịch sinh thái. Việc phát triển du lịch ở phân vùng này cần được giám sát chặt chẽ, gắn liền phát triển du lịch với bảo vệ nguồn lợi. Một số hình thức có thể triển khai ở đây gồm: du lịch lặn snorkling hoặc câu cá sau đó tham quan các lồng nuôi tạo thành một tour du lịch trong ngày.

Vùng đệm (B2) là phân khu phát triển nuôi ương tôm hùm, được phân bố tại rìa phía Đông rạn san hô Nam Hòn Yến, là vùng biển bao quanh các biên mốc tọa độ từ B4-A3-A5-B7-B6 và biên ngoài rạn B4 đến B6-B7, vùng này kéo dài từ giới hạn của rạn san hô ra đến đường đẳng sâu 15m, với tổng diện tích phân khu 20ha, diện tích phân vùng này được căn cứ theo diện tích thực tế đang nuôi cũng như việc đảm bảo tính ổn định cho các phân vùng khác. Vùng đệm (B2) tập trung nuôi tôm giống và tôm thương phẩm mang tính ổn định và lâu dài nhằm đảm bảo nguồn thu nhập chính cho cộng đồng dân cư sống tại đây. Về lâu dài sẽ phát triển theo hướng mô hình dịch vụ khoa học và mô hình dịch vụ du lịch.

Vùng đệm (B3) là phân khu dịch vụ hậu cần nghề cá được phân bố tại rìa phía Nam rạn san hô Nam Hòn Yến, có ranh giới với các mốc tọa độ từ A6-A7-B6-A5-A6, tổng diện tích phân vùng 8,35ha. Vùng khai thác hợp lý có vị trí nằm ngoài 4 vùng chức năng trên. Tập trung neo đậu tàu, thuyền phục vụ khách tham quan, du lịch; nơi neo đậu tàu thuyền khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá vào thời điểm có thời tiết ổn định trong năm. Không tập trung quá đông tàu thuyền vào mùa mưa bão, triều cường. Đối với vùng khai thác hợp lý, là vùng dành cho việc khai thác nguồn lợi một cách hợp lý, đảm bảo cuộc sống hiện tại và tương lai cho cộng đồng dân cư địa phương. Là vùng khuyến khích tổ chức thực hiện các hình thức khác như: du lịch, neo đậu tàu thuyền và các hoạt động, dịch vụ khác.

Thời gian qua, UBND huyện Tuy An cũng đã công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực rạn san hô xã An Hòa Hải. địa phương đã phê duyệt phương án bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản và quy chế hoạt động của Tổ hợp tác quản lý và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến. Huyện cũng đã ban hành phương án thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến thực hiện đồng quản lý. UBND huyện Tuy An đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại khu vực Hòn Yến với diện tích 20ha, nhằm giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái san hô.

Thông tin từ Sở TN&MT Phú Yên cho biết, để tiếp tục bảo tồn và phát triển quần thể rạn san hô Hòn Yến, tỉnh đã kiến nghị Bộ TN&MT tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Hòn Yến, với loại hình bảo vệ cảnh quan.

Ngọc Ánh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 21/3/2024