Với lợi thế về các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái,... Quảng Nam đã xác định đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xúc tiến thị trường mới để hình thành trung tâm du lịch quốc tế tại đây.
Có thể thấy, trước đại dịch Covid-19 Quảng Nam là một trong những địa phương hiếm hoi có số lượng khách du lịch quốc tế lớn hơn khách nội địa.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam sẽ thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế đến địa phương.
Xây dựng chuỗi sản phẩm mới
Theo báo cáo số liệu của tỉnh Quảng Nam, trong tháng 2/2024 doanh thu lưu trú Quảng Nam ước đạt hơn 247 tỉ đồng với tổng lượt khách tham quan, lưu trú ước đạt 580.000 lượt khách. Trong đó, doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 2 đạt 37 tỉ đồng, tổng doanh thu dịch vụ của tỉnh tháng 2 ước đạt 686 tỷ đồng.
Tại quy hoạch vừa được công bố, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế. Chú trọng khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam để trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hoá thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm,...
Định hướng cụ thể, địa phương này sẽ phục hồi và duy trì các thị trường du lịch truyền thống, đặc biệt là thị trường khách Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ,... Đây được xem là những thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch và sẽ góp phần giảm quá tải tại vùng lõi du lịch.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay tương lai địa phương sẽ phát triển các đô thị xanh, sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường tự nhiên có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh. Cùng với đó, địa phương sẽ xây dựng các thiết chế công cộng quan trọng như quảng trường, công viên cây xanh, công viên chuyên đề, các khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho các lứa tuổi.
Đặc biệt là tập trung nguồn lực đầu tư mạng lưới hạ tầng then chốt vùng Đông, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển các hạ tầng trọng yếu như sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị, khu du lịch - giải trí - thể thao - tổ chức sự kiện, khu xử lý rác thải, nước thải, các công trình cấp điện, cấp nước, hạ tầng thông tin, viễn thông; hình thành các đô thị khang trang, hiện đại. Song song là cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng dược liệu và khai thác du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng tại các các thôn, bản.
Tăng sản phẩm kéo dài lưu trú, chi tiêu
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam quy hoạch tỉnh vừa được công bố đã chú trọng về việc kêu gọi đầu tư, xây dựng các tổ hợp hợp vui chơi giải trí - mua sắm - ẩm thực gắn với kinh tế đêm ở những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Trong đó, ông Hồng cũng nhấn mạnh về công tác phát triển mới tại TP. Hội An vì đây vừa là trọng điểm du lịch của Quảng Nam và còn của cả vùng Duyên hải miền Trung cũng như Việt Nam.
“Đây sẽ là yếu tố quan trọng nhằm kéo dài ngày lưu trú và tăng mức chi tiêu trung bình ngày của khách du lịch đến Quảng Nam”, ông Hồng nhìn nhận.
Ngoài khu vực vùng lõi Hội An, tại phía Nam tỉnh Quảng Nam cũng sẽ phát triển các dịch vụ cao cấp hướng vào thị trường khách có nhu cầu trải nghiệm di sản văn hóa, thiên nhiên và nghỉ dưỡng dài ngày, chi tiêu cao. Vì vậy, địa phương xác định hình thành những trọng điểm du lịch mới ở dải ven biển. Để thu hút khách quốc tế, tại đây sẽ có các khu du lịch, vui chơi giải trí, thể thao đẳng cấp, độc đáo và khác biệt, bổ sung cho các sản phẩm di sản.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Don Lam - Thành viên HĐQT Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - Khu nghỉ dưỡng Hoiana cho rằng tiềm năng phát triển kinh tế du lịch biển tại vùng Đông Quảng Nam là rất lớn. Đánh giá của ông Don Lam, khu vực vùng Đông có lợi thế về văn hóa lịch sử của phố cổ Hội An và các động lực ngày càng rõ nét như cầu Cửa Đại, đường ven biển kết nối với sân bay Chu Lai. Để thúc đẩy du lịch địa phương, ông Don Lam kiến nghị tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh các quy hoạch chi tiết 1/2.000 và phân khu 1/500 tại dự án, đồng thời, tạo điều kiện đưa Hoiana thành khu đô thị nghỉ dưỡng ven biển đa chức năng với hạ tầng cơ sở và dịch vụ đa dạng như trường học, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại và trung tâm hội nghị cao cấp.
Ngoài ra, ông Don Lam cũng đề xuất, đưa khu vực thành nơi thí điểm triển khai “thị thực vàng” (golden visa) cho nhóm du khách cao cấp lưu trú dài ngày như nhóm du mục số, chuyên gia các ngành công nghệ cao, nhóm khách du lịch hưu trí cao tuổi,... Từ đây mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và cơ hội việc làm lớn cho khu vực địa phương.