Kiên Giang: Nhiều cá thể sếu đầu đỏ về Khu bảo tồn Phú Mỹ

Cập nhật: 03/04/2024
Thông tin từ Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (tỉnh Kiên Giang) cho biết, đàn sếu đầu đỏ xuất hiện cách đây 4 ngày. Chín con sếu đậu tại bãi ăn, thuộc vùng đệm, gần ruộng lúa của người dân.

Sau đó một ngày chúng tiếp tục quay lại kiếm ăn, chiều bay về Khu bảo tồn Anlung Pring (Campuchia) cách đó 3 km. 

Khu vực đàn sếu kiếm ăn thuộc vùng đệm được đánh giá yên tĩnh và có nguồn thức ăn phong phú. Hai tuần trước, Ban quản lý Khu bảo tồn đã đốt cỏ chủ động để giảm lớp thực bì. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hạn chế người dân xâm nhập trái phép vào khu bảo tồn, để giữ chân đàn sếu.

Sếu đầu đỏ kiếm ăn tại Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ. Ảnh: LN

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ có diện tích hơn 2.700ha, là vùng sinh thái ngập nước với đặc trưng nhiễm phèn nặng, giàu hữu cơ, thực vật thích nghi chính yếu là cây cỏ bàng. Đây là địa điểm di cư quen thuộc của loài sếu đầu đỏ.

Trước đó ngày 8/3, 4 cá thể sếu đầu đỏ cũng bay về Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), cách khu bảo tồn Phú Mỹ chừng 120 km, sau hai năm vắng bóng.

Theo Hội Sếu quốc tế, toàn thế giới ước tính có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Riêng loài sếu phương Đông (chủ yếu Việt Nam và Campuchia) từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, hiện còn khoảng 160 con.

Thu Phương

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 02/4/2024