Phát triển đô thị theo hướng xanh là một trong những xu thế toàn cầu tất yếu để giải quyết những thách thức lớn trong quá trình phát triển đô thị hiện nay.
Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng từ 30,5% năm 2010 tới hơn 42,6% vào năm 2023 và vẫn đang trong xu hướng tăng. Mục tiêu đạt tối thiểu 45% vào năm 2025, trên 50% đến năm 2030. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến đầu năm 2024, cả nước có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và 703 đô thị loại V. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, thay đổi sự phân bố dân cư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình đô thị hóa ở nước ta cũng còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị có nơi, có lúc chưa thực chất, chạy theo bề nổi; chẳng hạn xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí… mà ít chú ý đến công tác quy hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, con phố cũ, khu vực ngoại thành, vừa là một không gian vật thể chức năng đô thị, vừa mang ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc.
Hệ thống pháp luật liên quan tới đầu tư xây dựng đô thị thiếu đồng bộ khiến đô thị hóa diễn ra tự phát, không có quy hoạch. Tình trạng này dẫn đến một số đô thị thiếu hạ tầng, mất cảnh quan đô thị... gây tác động tiêu cực cho môi trường sống, nhất là khu vực thành phố, do quá tải cơ sở hạ tầng đô thị, an ninh xã hội không đảm bảo, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm...
Phát triển đô thị theo hướng xanh là một trong những xu thế toàn cầu tất yếu để giải quyết những thách thức lớn trong quá trình phát triển đô thị hiện nay.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ diện tích cây xanh hiện nay trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25 m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới... Trong bối cảnh đó, phát triển đô thị xanh trở thành mô hình được người dân ưa chuộng, sớm định hình là xu hướng tất yếu của tương lai.
Các chủ đầu tư có tiềm lực đang đầu tư đáng kể vào không gian xanh mà nhận thức của bản thân người mua nhà về tiêu chí chọn lựa chỗ ở cũng đã có những thay đổi. Trước nhu cầu thực tế đó, nhiều chủ đầu tư đã tiên phong phát triển bất động sản xanh là các khu đô thị đáng sống bậc nhất. Đến thời điểm hiện tại, các dự án đô thị xanh, chú trọng vào tiện ích, sức khỏe con người và môi trường xung quanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu với lượng bán tốt vượt trội so với những dự án khác.
Tuy nhiên, số lượng dự án thực tế vẫn khiêm tốn so với nhu cầu và số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua. Bởi nhiều chủ đầu tư muốn làm công trình xanh nhưng chưa có kinh nghiệm. Nhiều chủ đầu tư lo ngại việc xây dựng và phát triển công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20 - 30%, thậm chí cao hơn. Trong khi, thực tế, theo các nghiên cứu trên thế giới, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải...
Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình xanh bằng con số, định lượng cụ thể; có cơ chế ưu đãi đối với công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng. Ngược lại về phía doanh nghiệp cần kịp thời định vị lại sản phẩm phát triển để được hưởng lợi từ những ưu đãi và nhu cầu sống xanh ngày càng tăng....
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Trong số đó, tập trung đầu tư phát triển đô thị theo các chương trình mục tiêu, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị - nông thôn; đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị. Chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo khu dân cư thu nhập thấp; lập kế hoạch và đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan…; có kế hoạch ứng dựng công nghệ thông tin, công nghệ công trình xanh vào quá trình quy hoạch, thiết kế, thi công.
Các địa phương đang đẩy mạnh rà soát, tiến tới hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, tầm nhìn hướng đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam đang định hình chuỗi đô thị ven biển, tạo ra các trung tâm dân cư mới kết hợp đô thị du lịch và đô thị công nghiệp, trở thành hạt nhân để phát triển toàn vùng. Căn cứ những tiêu chí cơ bản của “đô thị xanh” thì năng lượng cần được coi là vấn đề then chốt của các đô thị mới này. Với điều kiện tự nhiên của xứ Quảng (lượng nhiệt cao, số ngày nắng nhiều), đô thị nằm ở khu vực ven biển nên tiềm năng nguồn năng lượng sạch cần được ưu tiên sử dụng là năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Ngành chức năng tỉnh cũng xác định phương thức khai thác và sử dụng, tái sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt, cho sản xuất và cho việc duy trì mảng xanh đô thị. Công nghệ thu hồi và tái chế nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp cho các hoạt động khác cũng là một cơ sở công nghiệp cần thiết ngay từ đầu, cùng với nhà máy phân loại và xử lý chất thải.
Đối với phương thức giao thông: ưu tiên kết nối chuỗi đô thị với nhau và giao thông nội đô bằng phương tiện giao thông công cộng năng lượng sạch (điện), khuyến khích, thậm chí quy định giao thông cá nhân cũng là xe hơi và xe máy điện, khuyến khích xe đạp bằng việc xây dựng những công trình dịch vụ và công ích với khoảng cách phù hợp. Ngoài ra, quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng và các công trình kiến trúc ưu tiên sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, có chính sách khuyến khích việc sử dụng loại vật liệu này, đồng thời với những phương thức tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước khi công trình vận hành. Và cuối cùng, môi trường xanh (cây xanh, công viên, mặt nước...) là những yếu tố dễ nhận biết đầu tiên nhưng ít được quan tâm lâu dài.
Minh Đức