Phát triển hệ sinh thái để thúc đẩy du lịch ở Đảo Cò - Hải Dương

Cập nhật: 16/04/2024
Đảo Cò một địa điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Hải Dương. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút nhiều lữ khách thập phương bởi khung cảnh thơ mộng.

Du khách đến với Đảo Cò - Hải Dương ngày càng đông là tín hiệu đáng mừng, song cần phát triển du lịch hài hòa, bền vững, tránh tạo áp lực đối với khu du lịch sinh thái này.

Phát triển đi đôi với bảo vệ

Khu du lịch sinh thái Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện - Hải Dương) là di tích cấp quốc gia, hằng năm đón tiếp hàng vạn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Khu du lịch sinh thái Đảo Cò ngày càng thu hút nhiều du khách. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với du lịch của Thanh Miện cũng như của Hải Dương. Qua đó cho thấy việc tôn tạo, phát huy giá trị khu du lịch sinh thái cũng như quảng bá Đảo Cò đã được địa phương cùng các ngành liên quan tiếp tục quan tâm và đã phát huy hiệu quả.

Tuy vậy điều này cũng tạo ra một áp lực không nhỏ về vệ sinh môi trường, tiếng ồn đối với khu du lịch sinh thái này và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quần thể động thực vật tại đây.

Thời gian qua, đảo Cò đã thu hút một lượng khách lớn

Theo Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đảo Cò: Vào những ngày cao điểm như Tết nguyên đán ước bình quân mỗi ngày Đảo Cò có gần 1.000 lượt du khách đến tham quan. Ban đã phải huy động 9 thuyền loại to và 15 thuyền thiên nga mới đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Trên bến luôn có rất đông du khách tập trung để chờ đến lượt xuống thuyền. Khi các thuyền vòng qua đảo, khó tránh khỏi tình trạng du khách gây tiếng động lớn, cộng với việc trên bờ có một khu vui chơi trẻ em thường xuyên phát nhạc lớn cũng có thể ảnh hưởng đến quần thể chim hoang dã tại đây.

Theo ông Nguyễn Văn Đức – Phó Giám đốc Công ty tour Ngọc Xanh: Đảo Cò là một hệ sinh thái động thực vật độc đáo và vô cùng phong phú với hơn 170 loài. Ngoài cò, vạc, các đảo còn là nơi quần tụ của nhiều loài chim khác như bói cá, bồng chanh, chim cuốc, chào mào… Dưới hồ An Dương, nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống như rái cá, tổ đỉa; các loài cá như măng kìm, chép, trôi, mè, trắm…

Theo ông Đức, để phát triển du lịch Đảo Cò cần theo hướng sinh thái bền vững, chú trọng bảo vệ giá trị vốn có của khu sinh thái. Trong đó, đội ngũ hướng dẫn viên, người chèo thuyền, thậm chí người bán hàng cũng cần thường xuyên được tập huấn để khuyến cáo du khách không gây tiếng ồn lớn, không xả rác bừa bãi, không dùng đèn flash khi chụp ảnh... để bảo vệ môi trường cũng như hạn chế ảnh hưởng đến các đàn chim hoang dã tại đây.

Gắn nông nghiệp sạch để phát triển du lịch

Theo ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: Khu du lịch sinh thái Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện - Hải Dương) là di tích cấp quốc gia, hằng năm đón tiếp hàng vạn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có, xã Chi Lăng Nam đã xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp sạch để tạo ra sản phẩm du lịch mới.

Theo ông Minh, hiện Chi Lăng Nam có 1 làng nghề truyền thống và 4 mô hình nông nghiệp sạch. Các mô hình này đã và đang kết hợp với khu du lịch sinh thái Đảo Cò tạo thành chuỗi du lịch trải nghiệm hấp dẫn thu hút du khách. 

Bảo vệ hệ sinh thái để phát triển du lịch

Trang trại Phong Cò là địa chỉ du lịch lý tưởng thứ 2 của xã Chi Lăng Nam, mỗi năm thu hút hàng trăm đoàn khách. Điều đặc biệt ở trang trại này là toàn bộ sản phẩm nông nghiệp đều được nuôi trồng theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái. Cách xây dựng, bài trí tại đây cũng rất độc đáo, cuốn hút, giúp du khách có thể thoải mái vui chơi, trải nghiệm.

Anh Vũ Văn Phong, chủ trang trại Phong Cò cho biết: "Trang trại của tôi được xây dựng từ năm 2013 với tổng diện tích khoảng 5.000m2. Đến năm 2018, tôi mới bắt đầu chuyển hướng sang làm nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm. Ngoài cà chua bi, các loại dưa lưới, rau sạch, tôi còn nuôi thêm lợn, gà theo hướng hữu cơ. Từ mùa thu đến mùa xuân là khoảng thời gian du khách đến trang trại đông nhất vì thời tiết mát mẻ". Hiện trang trại này đang mở rộng diện tích để trồng các loại hoa súng nhập ngoại nhằm tạo cảnh quan và không gian mới.

Chi Lăng Nam còn có làng nghề bánh đa Hội Yên với tuổi đời hàng trăm năm. Hiện hầu hết các cơ sở sản xuất tại đây đang phát triển làng nghề theo hướng xanh, sạch. Bánh đa Hội Yên đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Mỗi năm làng nghề này thu hút rất nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm làm bánh đa. Bánh đa Hội Yên cũng trở thành thứ quà tặng mà nhiều du khách lựa chọn mua về làm quà. 

Năm 2022, xã Chi Lăng Nam xây dựng thành công mô hình trồng sen lấy hoa với diện tích gần 10 mẫu. Cánh đồng sen này nằm cạnh khu du lịch sinh thái Đảo Cò tạo thành điểm nhấn nổi bật thu hút đông đảo du khách đến chụp ảnh, check-in.

Chi Lăng Nam cũng xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp sạch tiêu biểu khác như: cánh đồng nha đam, cánh đồng "3 không"... Khu đồng gần 6 mẫu ruộng được anh Ngô Đăng Chiến ở thôn Triều Dương thuê lại năm 2019 để trồng cây nha đam. Đây là loại dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít sâu bệnh nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc.

Theo bà Phạm Lan Hạ - du khách Hải Phòng, "Gần 5 năm tôi mới quay lại đảo Cò và thấy khá bất ngờ về cảnh sắc nơi đây. Ngoài được đầu tư bài bản hơn, Chi Lăng Nam còn chú trọng phát triển nhiều loại hình du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp sạch. Việc làm này không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, gần gũi với thiên nhiên mà còn có thêm sản phẩm sạch để du khách mua về làm quà”. 

Với những ưu đãi của thiên nhiên cùng nhiều mô hình nông nghiệp sạch tiêu biểu, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đã tận dụng tốt những lợi thế này để phát triển du lịch.

Bộ mặt nông thôn thay đổi, thu nhập của người dân nâng cao, văn hóa được gìn giữ, cảnh quan môi trường sạch đẹp là những thành quả mà người dân xã Chi Lăng Nam có được khi phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch.

Hiện nay, phát triển du lịch bền vững là một giải pháp hàng đầu đối với các quốc gia thế giới. Việc phát triển du lịch bền vững, giúp địa phương vừa đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, thông qua các hoạt động du lịch vừa góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan, di sản cũng như thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu. Việc vận dụng loại hình du lịch xanh - du lịch nông nghiệp gắn với du lịch, con người thân thiện và các hoạt động dịch vụ đậm giá trị văn hóa truyền thống là hướng đi đúng trong tương lai.

Minh Huệ

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - diendandoanhnghiep.vn - Đăng ngày 13/4/2024