Nạn khai thác trái phép lâm sản là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm và tuyệt chủng của nhiều loại động, thực vật quý hiếm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: Phá hủy hệ sinh thái, làm mất đi sự cân bằng giữa các loài trong tự nhiên.
Cán bộ Trung tâm Tuyên truyền, du lịch, cứu hộ và bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập và cặp linh trưởng đang được chăm sóc, chuẩn bị thả về tự nhiên.
Bằng nhiều giải pháp khác nhau, tỉnh Bình Phước gần như khống chế được nạn chặt phá rừng và đang nỗ lực hạn chế tình trạng săn bắt thú rừng, đồng thời chăm sóc, nuôi dưỡng, tập luyện, phục hồi bản năng hoang dã từ nguồn vận động nhân dân giao nộp thú rừng để thả về tự nhiên.
Cho rừng thêm đa dạng
Năm 2013, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) tiếp nhận một cặp vượn đen má vàng được người dân giao nộp. Sau hai năm cứu hộ, nuôi dưỡng, cặp vượn đen má vàng đến nay đã sinh sản ba lần. Đây là niềm vui lớn, “trái ngọt” mà Trung tâm Tuyên truyền, du lịch, cứu hộ và bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập đạt được và được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao.
Bởi ngoài phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, đây còn là tiềm năng để bảo tồn nguồn gien vượn đen má vàng cực kỳ quý hiếm. Anh Nguyễn Đức Trọng, nhân viên cứu hộ thuộc Trung tâm cho biết: Hiện khu cứu hộ, bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập có hai gia đình vượn đen má vàng với tổng sáu cá thể, trong đó có một cặp tiếp nhận năm 2013 đã sinh sản, một cặp ghép tiếp nhận năm 2018 chưa đến thời kỳ sinh sản.
Đây là động vật hoang dã thuộc nhóm 1B được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, trung bình mỗi năm đơn vị tiếp nhận khoảng 100 cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm 1B (nhóm cực kỳ quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng) và nhóm 2B (nhóm nguy cơ cao) do các đơn vị, tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp và tang vật trong các vụ án do lực lượng chức năng thu giữ từ hoạt động bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép.
Các cá thể động vật hoang dã sau khi tịch thu, tiếp nhận được bàn giao cho Trung tâm cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng, tập luyện, phục hồi bản năng hoang dã, khi đủ điều kiện sẽ thả về rừng tự nhiên. “Số lượng tiếp nhận luôn quá tải, trong khi kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực eo hẹp chưa thể đáp ứng đủ nhưng với tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên nơi đây, tỷ lệ tái thả về rừng tự nhiên luôn ở mức cao, gần 90%. Sau khi tái thả sẽ theo dõi thêm một thời gian ở rừng tự nhiên để bảo đảm cuộc sống tốt nhất cho động vật, đúng nghĩa với công tác tái thả, để động vật có thể tồn tại tốt nhất trong môi trường tự nhiên”, anh Nguyễn Đức Trọng cho biết.
Trung tâm Tuyên truyền, du lịch, cứu hộ và bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn khá mới, trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, sơ sài, xuống cấp nên luôn trong tình trạng quá tải nếu tiếp nhận hết động vật do các đơn vị, tổ chức, cá nhân bàn giao.
Để làm tốt công tác cứu hộ, ngoài đầu tư cơ sở vật chất thì cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân nói không với săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trái pháp luật. Dù khó khăn nhưng với tình yêu thiên nhiên, động vật hoang dã, các cán bộ, nhân viên luôn nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi những phương pháp tốt nhất để cứu hộ thành công.
Bảo vệ rừng là bảo vệ chính chúng ta
Vườn quốc gia Bù Gia Mập có diện tích gần 26.000 ha, trải rộng trên địa bàn xã Đắk Ơ và xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) và xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Để những cánh rừng thêm xanh, lực lượng bảo vệ rừng luôn túc trực, ăn ngủ trong rừng. Tất cả cán bộ, nhân viên của vườn đều đã từng bị sốt rét, nhiều nhất là lực lượng kiểm lâm sau đó tới cán bộ kỹ thuật, bộ phận hành chính. Anh em Vườn quốc gia Bù Gia Mập thường nói vui rằng, nếu ai không bị sốt rét tức không phải là cán bộ, nhân viên của Vườn.
Nhớ lại những ngày mới vào làm việc ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập cách đây gần 20 năm, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2 cho biết: “Ngày ấy, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy với bánh xe quấn xích, có khi đi cả ngày chưa vào được chốt, trạm. Nếu gặp trời mưa thì cực kỳ khó khăn, bởi cây gãy, đổ ra đường, không thể khiêng xe qua được. Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loại động, thực vật quý hiếm, có tên trong Sách đỏ thế giới và quốc gia.
Do đó, nhiều đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để săn bắt thú rừng hoặc khai thác lâm sản để làm giàu bất chính. Từ đó, cuộc chiến bảo vệ rừng diễn ra ngày một khốc liệt, và những hy sinh của người giữ rừng nơi đây thật khó kể hết.
Hiện lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 54 cán bộ, nhân viên, trong đó có 30 công chức và 24 nhân viên lao động hợp đồng được bố trí tại Văn phòng Hạt kiểm lâm, một tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, 11 trạm kiểm lâm và bảy chốt bảo vệ rừng. Ngoài ra, còn có gần 600 hộ dân vùng đệm đang tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đóng ở 12 chốt. Năm 2004, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập xảy ra 172 vụ vi phạm lâm luật, đến năm 2023 chỉ xảy ra sáu vụ.
Đáng chú ý, trong những năm qua, Vườn quốc gia luôn làm tốt công tác phát triển rừng. Đã có 145 ha rừng được trồng với các loại cây gỗ quý và các loại cây gắn với kinh tế của người dân vùng đệm. Để công tác bảo vệ rừng ngày một hiệu quả, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng nhằm giảm bớt áp lực cho lực lượng kiểm lâm và cộng đồng nhận khoán. Song song với nhiệm vụ bảo vệ rừng, đơn vị còn triển khai nhiều tuyến, điểm du lịch nhằm thu hút khách tham quan; đồng thời thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã vùng đệm, mô hình chia sẻ lợi ích với cộng đồng...
Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Mục tiêu lớn nhất mà chúng tôi đang phấn đấu đưa Vườn đạt được các danh hiệu như: Khu dự trữ di sản quốc gia, Khu dự trữ di sản ASEAN, Khu dự trữ sinh quyển thế giới; được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh, cấp quốc gia và vươn lên tầm cao mới là du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các dự án như phát triển cây dược liệu, cây dưới tán rừng. Chúng tôi định hướng vừa bảo tồn vừa phát triển, góp phần tạo nên sự phong phú hệ đa dạng sinh học của Vườn”.
Bài và ảnh: Nhất Sơn