Nhằm triển khai thực hiện “Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025”, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Dương vừa phối hợp cùng các đơn vị du lịch của tỉnh Bình Phước và Tây Ninh tổ chức đợt khảo sát các điểm đến du lịch trên địa bàn 3 tỉnh. Đây là một trong những hoạt động được ngành du lịch 3 tỉnh cùng chung sức thực hiện nhằm liên kết, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch tại mỗi địa phương.
Một cung đường - 3 điểm đến
Với chủ đề “Một cung đường - 3 điểm đến”, đợt khảo sát có sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đại diện của các công ty lữ hành, các chuyên gia về du lịch, các đơn vị truyền thông và các ngành nghề, dịch vụ có liên quan. Trong cung đường khảo sát đợt này, đoàn đã đến tham quan, trải nghiệm thực tế các địa điểm du lịch, dịch vụ tiêu biểu của “3 điểm đến” gồm tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh để cùng trải nghiệm, đánh giá, cho ý kiến và kết nối hình thành tour, tuyến phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.
Đoàn khảo sát đến trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Kawazo Phú Thịnh
Đợt này, ngành du lịch Bình Dương đã chọn các điểm đến gắn với tuyến du lịch đường sông để giới thiệu, xúc tiến kết nối du lịch. Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết mục đích tổ chức đợt khảo sát lần này là giới thiệu tiềm năng du lịch đường sông của tỉnh đến với các tỉnh, thành bạn và các đơn vị lữ hành. Đợt khảo sát lần này tương đối lớn so với những đợt trước đây, có sự liên kết của 3 tỉnh trong liên kết vùng Đông Nam bộ.
Xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh bằng buýt đường sông, các đại biểu đến Bình Dương và được đón tại bến du thuyền Tiamo Phú Thịnh (TP.Thủ Dầu Một). Từ bến du thuyền này, các đại biểu bắt đầu đến những điểm ven sông Sài Gòn để tham quan, trải nghiệm. Đây cũng là một tuyến du lịch đang được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bình Dương rất quan tâm. Cụ thể trong đợt khảo sát này, đoàn đã đến các điểm, như: Khu du lịch sinh thái Kawazo Phú Thịnh, Phòng trưng bày của Công ty Gốm sứ Minh Long, Khu du lịch Đại Nam, thành phố mới Bình Dương, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật chùa Hội Khánh, Trường Trung cấp Mỹ Thuật - Văn hóa Bình Dương, khách sạn Becamex. Tại tỉnh Bình Phước, đoàn tiếp tục khảo sát các điểm, gồm: Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tà Thiết, Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước, chùa Phật Quốc Vạn Thành. Các điểm khảo sát tại tỉnh Tây Ninh, gồm: Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, Khu Di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, Di tích Danh thắng núi Bà Đen.
Sau chuyến khảo sát, các đại biểu khách mời, các chuyên gia về du lịch, các đơn vị lữ hành đã cùng nhau trao đổi, đóng góp ý kiến, đưa ra những giải pháp thiết thực để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch tại mỗi địa phương. Điều đó không chỉ giúp các tỉnh đón thêm khách du lịch đến với địa phương, thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển hơn, mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển chung của du lịch vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đức Minh cho biết: “Mục đích chính của đợt này là mời tất cả các công ty lữ hành trong cả nước tham gia để khảo sát những điểm đến, những sản phẩm du lịch đặc thù của 3 tỉnh. Trên cơ sở đó, các công ty lữ hành sẽ thiết kế các tour để khai thác, đưa khách đến với Bình Dương và các tỉnh trong cung đường khảo sát đợt này”.
Chung tay phát triển du lịch
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành du lịch Bình Dương trong thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Làm thế nào để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của du khách, đặc biệt là giữ được chân du khách khi đến với Bình Dương? Nhiều hoạt động, giải pháp đã được ngành du lịch tỉnh triển khai thực hiện nhằm từng bước giải đáp câu hỏi đó, trong đó có việc liên kết, kết nối phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ.
Thời gian qua, với mục đích giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, các tuyến điểm du lịch, các sản phẩm làng nghề truyền thống, như: tranh sơn mài, gốm sứ, mây tre đan, guốc mộc, các loại trái cây đặc sản của tỉnh… đến với du khách trong và ngoài nước, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã tham gia nhiều sự kiện văn hóa, hội chợ du lịch, góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch Bình Dương.
Mục đích của chuyến khảo sát lần này là kết nối các điểm đến để các công ty lữ hành có thể nhìn thấy được các điểm mạnh du lịch của tỉnh Bình Dương cũng như Bình Phước và Tây Ninh. Từ đó, các đơn vị sẽ xây dựng được các tour, tuyến đưa khách đến tham quan, giúp du lịch của 3 tỉnh ngày càng phát triển hơn. Chia sẻ sau khi tham gia đợt khảo sát này, ông Trương Văn Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành Bình Dương (trực thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh), Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch lữ hành Phương Nam (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Đợt khảo sát cung du lịch này rất hay và có ý nghĩa. Qua đó, hoạt động này giúp các công ty lữ hành như chúng tôi hình thành được các tour và có thể chào khách ngay trong dịp hè sắp tới. Hy vọng, Bình Dương sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai, đặc biệt là du khách sẽ lưu trú lại Bình Dương ít nhất là 1 đêm để cảm nhận và sử dụng sản phẩm du lịch địa phương”, ông Hiền chia sẻ.
Không chỉ có người dân thân thiện, hiếu khách, các sản phẩm của du lịch Bình Dương qua chuyến khảo sát này cũng được đánh giá khá đa dạng. Hy vọng sau chuyến khảo sát này, lượng khách được các công ty lữ hành đưa đến Bình Dương sẽ tiếp tục tăng lên. Ông Trần Tuấn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết lợi thế của Bình Dương là gần trung tâm kinh tế lớn nhất nước, nhưng vẫn còn những cái chưa thuận tiện, trong đó có việc hình thành các bến thuyền. Hiện tại, chỉ có bến du thuyền Tiamo Phú Thịnh là có thể đón khách đến Bình Dương bằng đường sông.
“Du lịch TP.Hồ Chí Minh cũng muốn Bình Dương có những bến thuận tiện hơn, ví dụ như bến Bạch Đằng gần chợ Thủ; như vậy sẽ tiện hơn cho các tàu, thuyền du lịch cập bến và di chuyển khách đến các điểm tham quan gần đó dễ dàng hơn. Du lịch đường sông là một lợi thế rất lớn của Bình Dương. Hy vọng tới đây, chính quyền, các sở, ban ngành liên quan sẽ tạo điều kiện để sớm có những bến thuyền thuận tiện đón khách, có như thế du lịch đường sông của chúng ta mới có cơ hội phát triển”, ông Trần Tuấn Hùng nói.
Hồng Thuận