Trẻ hóa rừng thông Đà Lạt

Cập nhật: 26/10/2009
Đà Lạt được mệnh danh là TP của ngàn thông. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết thông Đà Lạt đã già cỗi (từ 60-70 năm). Do vậy trẻ hóa rừng thông là việc làm cần thiết đối với TP này.Nói đến Đà Lạt, người ta liên tưởng ngay đến những cánh rừng thông ngút ngàn. Thông với Đà Lạt là mối liên kết bền chặt. Ngoài giá trị về kinh tế, đối với Đà Lạt, thông có ý nghĩa đặc biệt về cảnh quan, sinh thái, du lịch…

Đà Lạt có 26.182 ha rừng thông. Trong đó trên 20 ngàn ha rừng phòng hộ và trên 5 ngàn ha rừng sản xuất. Ngay trong nội ô Đà Lạt cũng có tới 361 ha rừng thông thuộc rừng phòng hộ xung yếu.

Rừng thông chính là cảnh quan, là sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học và nhà quản lý, rừng thông nội ô TP Đà Lạt đang bị xuống cấp, giảm mạnh về số lượng và chất lượng, cấu trúc kém bền vững, khả năng phòng hộ thấp. Những cây thông cổ thụ đang là mối nguy hiểm, có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão. Cơn bão số 9 vừa qua, trên địa bàn TP có 49 cây thông thành thục bị ngã đổ gây chết người thì thực sự là một cảnh báo.

Dự báo trong vòng 10-15 năm nữa, thông nội ô Đà Lạt sẽ ngã đổ hàng loạt vì quá già, trong khi lớp thông kế cận rất ít vì tái sinh tự nhiên rất kém, số lượng trồng mới lại quá ít. Vì vậy, TP Đà Lạt đang rà soát lại số lượng cây thông nội ô và có kế hoạch chặt hạ, trồng mới phù hợp. Đây là biện pháp tích cực để phát triển bền vững rừng thông Đà Lạt.

Ông Vũ Xuân Trường (Trưởng ban Quản lý Rừng nội ô Đà Lạt thuộc Công ty Quản lý Công trình đô thị) cho biết, từ trước đến nay, Ban quản lý rừng chỉ xử lý theo hướng: cây nào già cỗi, chết khô hoặc có nguy cơ ngã đổ thì kiểm tra, cho phép chặt hạ chứ chưa chủ động chặt bỏ cây già, trồng cây mới thay thế.

Theo cơ quan kiểm lâm Lâm Đồng, ngay từ bây giờ, cần tính đến việc phải bắt tay cải tạo rừng thông, theo hướng loại bỏ dần những cây già cỗi đồng thời với công tác tái sinh tự nhiên một cách khoa học.

Hiện tại, thông cổ thụ trong nội ô Đà Lạt chỉ còn gần 10.000 cây. Trong khi lớp thông kế cận không đáng kể, mà mỗi năm, TP này buộc phải chặt hạ khoảng 300 cây thông trưởng thành... Ông Trần Thanh Bình (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, trẻ hóa rừng thông nội ô là một phương pháp phát triển bền vững, chủ động chặt những cây thông đã thành thục. Đối với những cây nằm rải rác trong khu dân cư, trường học… mạnh dạn chặt hạ dần. Đối với những rừng thông tập trung thì loại bỏ những cây già, trồng lại cây mới, đảm bảo quần thể mới chất lượng hơn. Và theo ông Bình, việc trồng mới phải có quy hoạch, trồng theo cụm.

Hiện tại, TP Đà Lạt đang quy hoạch rừng thông tại các tuyến trọng điểm như khu Dinh 1, Dinh 2, Đồi Cù… và các điểm du lịch.

Nguồn: Báo SGGP