TP. Hồ Chí Minh: Đô thị xanh dọc sông - Thêm dấu ấn phát triển

Cập nhật: 04/05/2024
TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) xác định quy hoạch sông Sài Gòn là nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch chung của thành phố, là bước đột phá trở thành biểu tượng cho sự chuyển đổi của thành phố, góp phần tạo nên sức hấp dẫn về kinh tế, chất lượng sống và môi trường nâng cao hơn.

Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Dũng Phương

Hành lang đô thị xanh

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM, Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn đã cơ bản hoàn chỉnh. Trong đó, quy hoạch sông Sài Gòn đặt ra mục tiêu gắn kết cộng đồng, kết nối vùng và hướng ra thế giới, để đến năm 2030 phát triển ven sông Sài Gòn thành điểm đến văn hóa của châu Á với mức tăng trưởng 8% - 8,5%/năm. Trong Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, dự kiến khu vực dọc trung tâm sẽ hình thành công viên, sân chơi trẻ em, đường đi bộ, không gian sinh hoạt cộng đồng... nhằm tạo ra hành lang đô thị xanh cho người dân cùng thụ hưởng. Cùng với đó, đề án hướng đến khai thác lịch sử lâu đời của thành phố và văn hóa sông nước với những viện bảo tàng, các khu vực hoạt động nghệ thuật và điểm đến lịch sử; đẩy mạnh kinh doanh quán ăn đường phố và các hoạt động giải trí khác...

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, để thực hiện tốt đề án, TP.HCM có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh) đến cầu Tân Thuận (quận 7). Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực Thanh Đa - Bình Quới với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông; chỉnh trang và phát triển khu vực Trường Thọ và Thảo Điền (TP.Thủ Đức) với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, giao lưu quốc tế, đóng vai trò trung tâm ven sông của TP Thủ Đức.

Để làm được điều này, TP.HCM quy hoạch những khu đất lớn khuyến khích xây nhà cao tầng tuân thủ theo quy hoạch xây dựng bằng cách Nhà nước có thể mua lại những lô đất nhỏ, nhà nhỏ để có những công trình điểm nhấn với mật độ xây dựng tối đa khoảng 50% - 60%, tạo thêm không gian xanh, không gian mở xen lẫn công viên. Tuy nhiên, để hiện thực hóa Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng, phải phân rõ trách nhiệm, trong đó Nhà nước làm những hạng mục nào, còn lại kêu gọi tư nhân tham gia với lợi ích phải rõ ràng. Quan trọng hơn là dù ai đầu tư cũng phải tuân thủ nghiêm quy hoạch để giữ được cảnh quan hai bên bờ sông nhằm phục vụ cho người dân và sự phát triển lâu dài của thành phố.

Tạo cơ chế thu hút đầu tư

Về tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch, KTS - TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM, cho hay, đơn vị đã đề xuất ý tưởng làm đường ven sông Sài Gòn nhằm phát triển không gian đô thị dọc sông Sài Gòn. Để hiện thực hóa đường ven sông (bờ hữu), sẽ trải qua nhiều bước, từ quy hoạch đến kế hoạch triển khai. Trước hết, quy hoạch chung thành phố sẽ bổ sung tuyến đường ven sông Sài Gòn. Nếu được đầu tư xây dựng sẽ tạo cơ hội tiếp cận, khai thác quỹ đất, cải thiện khả năng khai thác giá trị hành lang sông Sài Gòn.

Liên quan về tuyến đường ven sông Sài Gòn, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, trước mắt Sở đang rà soát, cập nhật để điều chỉnh quy hoạch nhằm triển khai xây dựng tuyến đường ven sông. Đây là cơ hội mở ra không gian phát triển mới mang tính đột phá, không gian đô thị dọc sông Sài Gòn. Ý tưởng quy hoạch một tuyến đường giao thông chạy dọc sông Sài Gòn, không nhất thiết toàn bộ phải bám mặt tiền sông, tận dụng tối đa hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu đã, đang và sẽ đầu tư; hạn chế ảnh hưởng đến đô thị hai bờ sông. Mục tiêu là tăng cường khả năng tiếp cận và khai thác tiềm năng, lợi thế của sông Sài Gòn. Từ đó, tạo điều kiện hình thành các khu đô thị, thương mại, dịch vụ mới; tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, kinh tế ven sông. “Đặc biệt, khi hình thành, tuyến đường sẽ giúp khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn, giúp tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển”, ông Phan Công Bằng cho hay.

Theo các chuyên gia quy hoạch, vấn đề cốt lõi hiện nay là cơ chế để tổ chức triển khai Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn. Theo đó, thành phố cần có một ban điều hành đủ năng lực quản lý tích hợp, khai thác thế mạnh hợp tác công - tư, phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của các nguồn lực xã hội, như mô hình Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp... bằng cơ chế, chính sách cách làm đổi mới sáng tạo.

"Thành phố đang thực hiện nhiều quy hoạch. Trong các quy hoạch đó, thành phố luôn lấy sông Sài Gòn làm nòng cốt để đánh thức tiềm năng của dòng sông về mọi mặt. Thời gian qua, thành phố tiếp thu góp ý từ chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đơn vị tư vấn quy hoạch để cập nhật chuyên sâu vào các đồ án quy hoạch tốt nhất, có tính khả thi và được triển khai thành công, đúng tiến độ "  - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường.

Võ Quốc

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng - sggp.org.vn - Đăng ngày 01/05/2024