Hậu Giang đang trên đà phát triển du lịch từ nhiều điểm đến hấp dẫn. Tỉnh Hậu Giang quyết tâm tạo sự đột phá lĩnh vực này, trong đó đẩy mạnh khai thác các di sản văn hóa, tạo “đòn bẩy” để phát triển “ngành công nghiệp không khói”.
Toàn cảnh cụm tượng đài khu Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện. Ảnh internet
Khai thác du lịch từ thế mạnh, nét riêng
Buổi tối thứ 7 tuần đầu mỗi tháng, tại quán cà phê HD Coffee House - Khu Văn hóa đa năng Hưng Đạo (thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A), người dân đến đây ngoài thưởng thức ly cà phê, đắm mình trong những cung bậc cảm xúc, được thưởng thức những bản ca tài tử.
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở ấp 4A, xã Tân Hòa, chia sẻ: “Sau những ngày làm việc căng thẳng, cuối tuần tôi đến đây để nghe những bài ca tài tử, lấy lại năng lượng để bắt đầu một tuần làm việc mới hiệu quả”. Đây cũng là điểm nhấn thu hút khách đến với huyện Châu Thành A.
Đờn ca tài tử là một trong những loại hình văn hóa, nghệ thuật được Hậu Giang đặc biệt quan tâm, từng bước tạo điều kiện bảo tồn, phát huy, tạo thêm nhiều sân chơi để các nghệ nhân giao lưu, truyền nghề.
Toàn tỉnh có gần 100 câu lạc bộ đờn ca tài tử, đội, nhóm, với hơn 1.000 nghệ nhân. Việc tổ chức tập luyện trong hệ thống các trung tâm được đặc biệt quan tâm, để những nghệ nhân ở các câu lạc bộ này đủ kỹ năng trình diễn và gắn kết, hỗ trợ các địa phương tạo sự đa dạng, phong phú và nâng chất đồng bộ các câu lạc bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh tập trung nâng chất câu lạc bộ đờn ca tài tử từ tỉnh đến cơ sở và hỗ trợ mỗi địa phương xây dựng một câu lạc bộ đờn ca tài tử chất lượng, gắn kết xây dựng chương trình giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương, đủ khả năng phục vụ du khách ở các khu, điểm du lịch khi có nhu cầu. Đây cũng là hướng mở, để các câu lạc bộ đờn ca tài tử nâng tầm chất lượng, giúp các nghệ nhân có thêm cơ hội tăng thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống, nuôi dưỡng niềm đam mê lâu dài.
Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây sông Hậu, thuộc châu thổ sông Cửu Long, Hậu Giang có nhiều danh thắng đẹp do thiên nhiên ban tặng, cùng nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tham quan như: Công viên Giải trí Kittyd & Minnied; Chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp; Con đường tre đẹp nhất Hậu Giang, homestay Mương Đình (xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A), Tàu du lịch Xà No...
Hậu Giang có 17 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh thích hợp phát triển du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử, đang được du khách chú ý. Đến đây, du khách không thể nào bỏ lỡ Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ ở huyện Long Mỹ, Di tích Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp...
Ngoài ra, phải kể đến một số công trình văn hóa tôn giáo (Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Quan Đế miếu, Nhà thờ Vị Hưng...); lễ hội văn hóa (lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ; lễ hội của đồng bào Khmer, Hoa); làng nghề truyền thống (đan đát, trồng trầu,...). Ẩm thực Hậu Giang có đặc sản từ nông nghiệp, OCOP, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Những đặc điểm ấy đã tạo nên một Hậu Giang khác biệt và đặc sắc đối với du khách khi đến du lịch tại vùng đất này.
Quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nếu như vào năm 2006 - 2010 có 40.000 - 120.000 lượt khách, 2010 - 2015 với 182.000 lượt khách, 2015 - 2020 là 486.000 lượt khách, đến năm 2023 toàn tỉnh đón gần 520.000 lượt khách tham quan du lịch tại tỉnh, trong đó có trên 25.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 236 tỉ đồng. Kết quả này tăng cao so với năm trước, khi năm 2022 tỉnh đón 390.000 lượt khách (khách quốc tế là 11.000 lượt), tổng thu đạt 178 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu cao hơn năm trước khoảng 58 tỉ đồng.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận Hậu Giang vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, xuất phát điểm còn thấp so với du lịch các tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Trong khi đó, thách thức trong cạnh tranh phát triển du lịch với khu vực lân cận hiện hữu. Do đó, việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh cao sẽ là vấn đề lớn đối với ngành du lịch tỉnh Hậu Giang.
Định hướng thời gian tới, cả tỉnh quyết tâm thực hiện tốt “Nghị quyết 4 trụ cột” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó lĩnh vực du lịch, tỉnh đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với đề án này, sẽ định hướng phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương với bảo vệ tài nguyên, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên văn hóa, tôn trọng những giá trị văn hóa bản địa, cộng đồng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, quốc phòng. Phát triển du lịch cộng đồng đa dạng và bền vững các sản phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống…
Trong đó, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh khai thác di sản văn hóa để tạo “đòn bẩy” đưa du lịch Hậu Giang ngày càng phát triển xứng tầm. Phấn đấu đến năm 2030 đón 1,5 triệu lượt khách.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Định hướng tới đây, tỉnh tranh thủ huy động mọi điều kiện, nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện, tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là đẩy mạnh khai thác di sản văn hóa để tạo đà cho du lịch phát triển. Lồng ghép với các chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch tỉnh Hậu Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Đầu tư cho du lịch, tạo điểm nhấn du lịch Hậu Giang trên “bản đồ du lịch” vùng và cả nước đang là hướng đi nhiều kỳ vọng, được lãnh đạo tỉnh quyết tâm thực hiện, để du lịch là 1 trong 4 trụ cột đóng góp nhiều cho sự phát triển của Hậu Giang.
Nguyễn Văn Phúc