Thời gian qua, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã tích cực thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ. Đặc biệt, công tác này gắn chặt với phát triển du lịch và trở thành một trong những mô hình hay cho phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái ở các xã vùng ven của TP. Bạc Liêu.
Biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử trong ngày hội du lịch diễn ra tại TP. Bạc Liêu
Mô hình hay
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ năm 2024 với mục đích thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy (khóa XIV) về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng và phát triển phong trào ĐCTT ở các phường, xã để phục vụ du khách, cũng như thực hiện tốt công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT bằng nhiều biện pháp linh hoạt, thiết thực, hiệu quả.
Theo đó, UBND TP. Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị nghệ thuật ĐCTT và tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, hội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) và tổ chức các hội thi… Cùng với đó là duy trì tổ chức sinh hoạt, giao lưu thường xuyên tại các trường học, CLB, các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức mở lớp hướng dẫn, truyền dạy 20 bản Tổ ĐCTT cho cán bộ phụ trách công tác văn hóa - xã hội, giáo viên THPT, THCS, tiểu học và hội viên các CLB sinh hoạt ĐCTT tại các phường, xã. Đưa nghệ nhân ĐCTT vào giảng dạy môn Âm nhạc và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp) tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Quan tâm đầu tư trang thiết bị sinh hoạt ĐCTT cho CLB và Nhà Văn hóa phường, xã.
Thực hiện chỉ đạo này, thời gian qua các ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể đã xây dựng nên những mô hình rất hay trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT. Trong đó, nổi bật là việc tổ chức tham quan, tìm hiểu tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu của các trường và tổ chức Đoàn trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Từ các chuyến đi thực tế này, đã trang bị nhiều kiến thức về ĐCTT cho các học sinh, đoàn viên - thanh niên. Đặc biệt là giúp các bạn trẻ trở thành hướng dẫn viên gắn với mô hình “nhà nhà, người người làm du lịch” khi có được những kiến thức về di tích, nghệ thuật ĐCTT để giới thiệu cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Đoàn cơ sở Phường 2 (TP. Bạc Liêu) tổ chức cho đoàn viên - thanh niên tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: T.A
Cả hệ thống chính trị cùng tham gia
Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, UBND TP. Bạc Liêu xác định phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Do vậy, UBND TP. Bạc Liêu chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT) thành phố hướng dẫn chuyên môn cho phường, xã tổ chức liên hoan ĐCTT ở các địa phương, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả loại hình nghệ thuật đặc sắc của Nam Bộ. Bên cạnh đó, tạo điều kiện hỗ trợ việc duy trì sinh hoạt, giao lưu ĐCTT tại các địa phương. Phối hợp với TTVH-TT, UBND các phường, xã rà soát, xét chọn các CLB còn khó khăn về trang thiết bị và ưu tiên các CLB sinh hoạt ĐCTT tại địa bàn có điểm du lịch để đầu tư và tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh, nhằm giúp các CLB duy trì sinh hoạt, tập luyện. Cung cấp tài liệu về ĐCTT cho các CLB và Ban chủ nhiệm khóm, ấp văn hóa.
UBND TP. Bạc Liêu cũng chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn, đưa nghệ thuật ĐCTT vào chương trình giảng dạy, chương trình ngoại khóa của các trường THPT, THCS, giúp cho học sinh tiếp cận, làm quen với loại hình nghệ thuật này như ca bản “Dạ cổ hoài lang”, một số bài bản vắn, nhẹ nhàng, làn điệu vui tươi, khuyến khích tuổi trẻ tham gia luyện tập các bài bản tài tử mới sáng tác, các bài bản tài tử có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước và con người Bạc Liêu… Xây dựng kế hoạch mở lớp hướng dẫn ca 20 bản Tổ ĐCTT cho cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội, giáo viên các trường THPT, THCS, đoàn viên - thanh niên và hội viên các CLB ĐCTT tại các phường, xã.
Riêng đối với TTVH-TT thành phố thì phối hợp với các phường, xã duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt CLB ĐCTT thành phố, phường, xã, khóm, ấp, trường học. Quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các CLB sinh hoạt, tập luyện và bổ sung các tài tử đờn, tài tử ca trẻ tuổi vào CLB để chăm bồi, phát triển. Thường xuyên tổ chức giao lưu ĐCTT giữa CLB các phường, xã và tổ chức liên hoan ĐCTT cấp thành phố năm 2024.
Đặc biệt là sưu tầm, lưu trữ và phổ biến những bài bản có lời mới, hay trong 20 bản Tổ ĐCTT. Cần xúc tiến việc sưu tầm, lưu trữ những bài bản ĐCTT mới hay, sáng tạo của các nghệ sĩ, nhạc sĩ từ nhiều vùng miền, nhằm thống kê, bổ sung thêm vào hệ thống bài bản ĐCTT. Sau đó có thể in ấn, phổ biến đến nhà hát, đoàn cải lương, các CLB phường, xã, các nghệ sĩ sử dụng, tham khảo, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Liên kết giáo dục - đào tạo, giảng dạy ngoài giờ về giáo dục âm nhạc và sân khấu dân tộc, các nhạc cụ dân tộc, các bài bản nhỏ của nhạc tài tử, ca cổ ở các bậc phổ thông theo hướng từ thấp lên cao. Kết hợp với Đài Truyền thanh TP. Bạc Liêu xây dựng nội dung tuyên truyền giới thiệu ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ…
Kiết Tường