Mỗi ngày, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) đón hàng ngàn lượt người tới tham quan. Du khách ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp và thành tâm cúng lễ, cũng đã để lại vô vàn rác thải, trong số đó đại đa số là túi ni lông. Số rác này sau đó được mang đi “hoả táng” một cách tự do mà không hề chịu sự quản lý hay hướng dẫn của bất cứ tổ chức nào…
Lan tràn rác
Vốn được coi là nơi "tôn quý của đất trời", có địa linh nhân kiệt, Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi gắn liền với tên tuổi của những con người xuất chúng đã đi vào sử sách Việt Nam như Thiền sư Huyền Quang (1254-1334), quan Đại tư đồ triều Trần - nhà thơ lớn Trần Nguyên Đán, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và vị anh hùng của dân tộc - danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.
Đến với Côn Sơn - Kiếp Bạc là một dịp ta hướng lòng về sự thanh trong, ôn lại truyền thống anh hùng của dân tộc và tìm hiểu học tập về công lao, sự nghiệp, nhân cách của các bậc danh nhân. Đây cũng là một dịp để người dân tham quan thắng cảnh núi non sông nước.
Ấy thế nhưng, một trong những điều làm du khách thập phương và cả những người quản lý khu di tích buồn lòng là tình trạng mất vệ sinh môi trường ở đây.
Khi ô tô vừa đỗ vào bến để thăm đền Kiếp Bạc, thì cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là sự mất vệ sinh do rác choán hết cả một góc bến xe. Trên đường đi vào Đền, những chiếc túi ni lông bay khắp nơi, trắng xóa cả hai bên đường. Người bán hàng mã, người đổi tiền lẻ nhao nhác khiến không khí càng thêm ồn ã.
Sang đến Côn Sơn, cảnh núi non hùng vĩ và sự tĩnh mịch, uy nghi của các ngôi chùa khiến lòng người thanh thản hơn. Thoạt nhìn, môi trường ở khu di tích này có vẻ rất khả quan. Sân chùa sạch sẽ, thoáng mát, luôn có người quét dọn.
Tuy nhiên, chỉ cần đảo ra phía sau các quán hàng, người ta sẽ thấy ngồn ngộn những rác là rác. Rác chất thành từng đống lẫn trong cỏ, có vẻ như được để đấy chờ… phân huỷ. Loanh quanh qua các dãy nhà, người ta còn thấy các đống rác lớn nhỏ nằm im trong các góc khuất. Đa phần trong số chúng là túi ni lông.
Chị Nguyễn Thị Tú, nhân viên vệ sinh môi trường ở Côn Sơn cho biết, hàng ngày các chị quét dọn và thu gom lại một chỗ, sau đó thì… đốt tự do. “Túi ni lông khó phân huỷ lắm. Chỉ trừ ngày mưa không đốt được thì đành đem lấp đi, chứ bình thường thì các chị đốt cho nó… gọn” - Chị Tú hồn nhiên nói mà không biết rằng, đây là một việc làm hết sức nguy hiểm bởi rác ở các khu du lịch đa phần là túi ni lông. Các loại túi này chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonnic, mêtan và khí điôxin cực độc.
Khó khăn do một nhà bốn “chủ”
Trao đổi với VnMedia, bà Phùng Bích Sâm, Phó trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn cho biết, Ban quản lý di tích cũng rất quan ngại vấn đề môi trường, nhưng có cái khó là khu tích này do 4 “nhà” quản lý.
Bến xe, hàng quán, dịch vụ thì do địa phương (xã) quản lý. Đền chùa thì do Nhà Chùa quản lý. Các di tích thì do Ban quản lý di tích trông coi, còn rừng thì lại do Ban quản lý rừng chịu trách nhiệm. Chính sự phức tạp về quản lý đã gây khó khăn cho việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo bà Sâm, cho đến nay chưa có bất kỳ một cơ quan nào hướng dẫn hoặc yêu cầu cách xử lý rác thải tại khu di tích này.
Ban quản lý di tích, do lo sợ vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến du khách nên thường xuyên thuê nhân công dọn dẹp. Vào mùa lễ, số nhân công được thuê mỗi ngày lên đến 50 người, ngày thường thì cũng phải trên 20 người.
Tuy nhiên, lượng rác thải thì quá lớn, mà địa phương lại chưa hề đề xuất hay yêu cầu bất kỳ phương án nào cho việc xử lý rác thải. Ngay cả cái thuật ngữ "xử lý rác" cũng hết sức xa lạ với Ban quản lý di tích nên việc "xử lý" chỉ đơn thuần là thu gom, đổ xăng vào và... đốt. Theo như bà Sâm thì cao điểm có ngày có tới 20 vạn lượt người tới tham quan khu du tích thì có thể nói, khối lượng rác du khách xả ra mỗi ngày cực lớn, nhưng việc đốt rác thì cứ diễn ra tự nhiên mà không bị bất cứ cơ quan nào "thổi còi".
Thanh minh cho vấn đề đốt rác, bà Sâm cho biết họ chỉ đốt rác khi chiều đến, du khách đã về hết. Còn nhân viên vệ sinh thì cho rằng, gần xung quanh khu di tích có rất ít người ở nên việc đốt rác cũng không gặp phản ứng của người dân. Tuy nhiên, cả bà Sâm và những người làm vệ sinh môi trường ở đây đều không biết rằng, việc đốt rác không đơn thuần chỉ gây nguy hiểm cho không khí tại khu vực đốt. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, các chất độc phát sinh do việc đốt rác có thể trôi nổi trong không khí và lan toả đi xa hàng trăm km.
Ngoài ra, chất độc trong không khí cũng không phải là vấn đề duy nhất do đốt rác gây ra. Tàn tro sau khi đốt cũng mang theo điôxin và các chất độc khác gây hại cho môi trường và sức khoẻ con người.
Có thể thấy, điều cần thiết hiện nay đối với khu di tích Côn Sơn nói riêng và các khu di tích khác nói chung, là phải có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chuyên trách về môi trường. Ngoài ra, cũng cần phải có sự kết hợp, bàn bạc tìm phương án giải quyết thống nhất giữa những bên có quyền lợi và trách nhiệm liên quan.