Hồ Gươm sẽ thành đầm lầy nếu không nạo vét

Cập nhật: 26/10/2009
Phó giáo sư Hà Đình Đức cho biết, hiện nay độ sâu trung bình của hồ chỉ hơn 1 m, chỗ sâu nhất không quá 1,4 m. Nếu không được nạo vét, vài chục năm nữa Hồ Gươm sẽ trở thành đầm lầy.

Lớp bùn dưới lòng Hồ Gươm nếu không được nạo vét sớm sẽ thế nào, thưa Phó giáo sư?

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều hoạt động thể thao diễn ra trên mặt Hồ Gươm như đua thuyền rồng với hàng chục chiếc chèo ầm ầm trên hồ. Vận động viên lướt ván thường dùng loại canô rất lớn để kéo, chứng tỏ mực nước hồ rất sâu. Hồ Gươm trước đây cũng rộng hơn bây giờ nhiều.

Nhưng hiện nay độ sâu trung bình của hồ chỉ còn 1,1-1,2m, chỗ sâu nhất không quá 1,4m. Điều đó chứng tỏ đáy hồ đã bị bồi lắng khá nhiều. Vì vậy, nếu không được nạo vét chắc chắn vài chục năm nữa Hồ Gươm sẽ trở thành đầm lầy.

Những người yêu Hà Nội và quan tâm đến Hồ Gươm, cụ rùa… rất quan ngại với bất kỳ việc làm nào động chạm tới biểu tượng của thủ đô. Công nghệ hút bùn của Đức liệu có đảm bảo giữ nguyên trạng cho hồ?

Công nghệ hút ép bùn của Đức cải tạo hồ ít tác động đến môi trường so với công nghệ hút bùn thông thường trước đây là dùng tàu cuốc nạo vét luồng lạch trên các sông và lối vào cảng, hay tát cạn hồ rồi đào sâu đáy hồ như các hồ cải tạo trong thời gian vừa qua ở Hà Nội.

Công nghệ này đã được áp dụng thành công ở Đức, Thái Lan và một số nước trên thế giới và cả khu ao cá Bác Hồ vào tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, khi thực hiện ở Hồ Gươm, nhất thiết phải đảm bảo giữ màu xanh hệ vi tảo của hồ và an toàn cho cụ rùa. Đây là lần thí điểm, kiểm tra một lần nữa công nghệ này trên Hồ Gươm. Khi làm sẽ tiến hành đo các thông số về môi trường và hệ vi tảo để có đánh giá tác động.

Nếu thí điểm thành công, đây là lần đầu tiên Hà Nội nạo vét bùn lòng Hồ Gươm bằng máy móc hiện đại. Vậy với khối lượng bùn, được dự báo sẽ rất lớn, việc xử lý như thế nào?

Nếu thí điểm thành công và thành phố cho phép sẽ tiến hành nạo vét trên toàn bộ Hồ Gươm. Khối lượng bùn cụ thể sẽ dược tính toán lại sau khi nạo vét thử và căn cứ vào kết quả khảo sát lớp trầm tích trong lòng hồ theo từng khu vực vì lớp trầm tích không đồng đều trong đáy hồ. Sau đó phía Đức sẽ chuyển giao công nghệ để chúng ta có thể tiến hành trên các hồ khác ở Hà Nội cũng như ở Việt Nam.

Khi nạo vét rộng ra cả hồ, làm thế nào để đảm bảo sự an toàn cho cụ rùa?

Hồ sẽ được phân theo vùng với từng khoanh nhỏ và sẽ có lưới vây khu vực máy hoạt động để đảm bảo an toàn cho cụ rùa. Hiện nay còn một dự án nạo vét thủ công do Sở Xây dựng Hà Nội đảm nhiệm trong phạm vi quanh hồ tính từ mép hồ trở ra khoảng 10 m. Hai dự án này nếu thành công sẽ cải tạo toàn diện môi trường lòng Hồ Gươm, trả lại độ sâu cần thiết cho hồ.

Nguồn: VnExpress