Hà Nội: Đền Đức Thánh Cả (đền Hữu Vinh) cần được bảo vệ

Cập nhật: 29/10/2009
Đền Đức Thánh Cả thuộc thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), còn gọi là đền Thiên Vựng hay đền Hữu Vinh được xây dựng cách đây hơn nghìn năm. Trong mắt dân chúng trong vùng, Thiên Vựng nổi tiếng linh thiêng, bằng chứng  là hàng năm tiếp hàng vạn lượt khách thập phương đến chiêm bái.

Nhiều du khách đi trẩy hội chùa Hương thường đến thăm di tích này theo đường sông hoặc theo đường 22 đoạn từ Thanh Bồ - Bến Đục.

Ngôi đền thờ một vị tướng “Nhất phẩm Đại Vương” thời Lý Nam Đế. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” và thần phả hiện lưu giữ tại đền, Thần vốn dòng dõi Kinh Dương Vương, là một người tài giỏi về thủy quân, đã làm tướng phò giúp Lý Bí đánh dẹp quân nhà Lương. Ông đã cùng tướng Phạm Tu chỉ huy quân sỹ diệt tướng giặc là Tiêu Tư ở phía bắc và bình quân Chăm–pa xâm lược ở phía nam. Dẹp xong giặc, ông theo dòng sông Đáy đến trang Hữu Vĩnh thì hóa. Đây cũng vốn là nơi thân mẫu sinh ra ông. Vua Lý Nam Đế đã ban cho dân ở đây tiền bạc, ruộng đất để xây dựng đền miếu thờ phụng ông. Trải qua các triều đại phong kiến, thời nào cũng phong sắc ca ngợi công đức của thần. Hiện trong đền Hữu Vĩnh có 48 đạo sắc phong. Đạo đầu tiên vào năm Vĩnh Tộ thứ 6 thời Lê Thần Tông và sắc sau cùng là thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại thứ 15.

Nhìn tổng thể đền được xây dựng theo kiểu chữ “tam” gồm ba hạng mục kiến trúc chính là: Đại bái, trung cung và hậu cung. Tòa đại bái làm bằng gỗ, mái lợp ngói ri cổ. Nội thất đại bái có nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi công lao của thần cùng nhiều đồ thờ tự như bát hương cổ, hương án, tàn lọng… Tòa trung cung được tu bổ vào những năm đầu thế kỷ XX theo hình thức cuốn vòm bằng vôi mật. Hạng mục này sau gần một thế kỷ tồn tại, mới đây đã được sửa chữa, phục dụng như diện mạo ban đầu. Tại hậu cung, nơi tôn nghiêm nhất, có đặt long ngai, bài vị của thần và các cổ vật quý hiếm. Đây cũng là nơi có “long mạch” thông ra sông Đáy, tạo nên điểm đặc biệt của di tích này. Ngoài ra đền còn có điện mẫu, nơi thờ thân mẫu của Đức Thánh Cả, nhà bia… Đền đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991.

Đền Đức Thánh Cả là một thắng cảnh đẹp, bởi cổng đền nhìn ra dòng sông Đáy uốn khúc như một dải lụa, phía sau đền tựa vào dãy núi Hàm Long, ngọn núi như chín đầu rồng hướng về đền. Từ ngọn núi này, nước chảy ra lèn đá tuôn róc rách quanh năm. Ngôi đền ẩn vào lớp áo choàng xanh của những lùm cây to cao tỏa rộng trên diện tích hai vạn mét vuông. Với vị trí núi non, sông nước vừa hùng vĩ vừa hiểm trở, nơi đây đã chứng kiến biết bao sự tích anh hùng của các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mảnh đất này nằm trong chiến khu của đồng bằng Bắc Bộ, đầu mối liên tuyến đường Hà Nội - Phú Xuyên - Khu Cháy - Thanh Hóa - Khu 4 cũ. Xưởng công binh chế tạo súng đạn đặt ở khu vực này. Hữu Vĩnh cũng là nơi tập kết bộ đội trước khi xuất quân đánh nhiều trận lớn.

Đáng tiếc là đền Đức Thánh Cả đã bị xâm phạm về cảnh quan từ nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý triệt để. Trước đây một số đơn vị, cá nhân ở thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Sơn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) tiến hành khai thác đá ở dãy núi Hàm Long đã gây tác động xấu đối với đền Hữu Vĩnh. Việc nổ mìn khai thác đá đã làm rạn nứt, nghiêng lệch nhiều đoạn tường, cột trụ của đền. Sau đó chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đã chấn chỉnh hoạt động khai thác đá tại núi Hàm Long, di chuyển vị trí nổ mìn ra xa khu vực đền, cũng đã giảm ảnh hưởng của khai thác đá đối với đền song cảnh quan và không gian xung quanh đền vẫn còn lộn xộn. Đoạn đường dẫn vào đền còn dấu vết của công trường, lòng núi bị khoét sâu nham nhở, mặt đường lổng chổng những đá. Ngay cạnh đền, các ki ốt mọc lên không thành hàng thành lối, lều quán bán hàng lụp xụp, nhếch nhác, che lấp không gian dẫn vào đền. Kế đó là bãi trông giữ xe thường xuyên ép khách tham quan phải trả giá cao quá mức quy định khiến nhiều du khách rất khó chịu.

Đền Đức Thánh Cả (đền Hữu Vĩnh) là di sản văn hóa, ẩn chứa các giá trị tinh thần, tâm linh, là nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống, chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp bảo vệ triệt để, giữ gìn cái vốn quý của di tích.

Nguồn: Theo báo KTĐT