Ði cáp treo xoay lớn nhất và đi tàu chậm nhất thế giới
Trong số khoảng 100 ngọn núi cao ở Thụy Sĩ cùng 1.800 dòng sông băng, hai địa chỉ trượt tuyết nổi tiếng mà đất nước này tự hào giới thiệu với khách quốc tế là đỉnh núi Tít-lít (Titlis) ở En-gơ-bớc và Mát-tơ-hon (Matterhorn) ở De-mát. Ông Phe-đơ-ri-cô Som-ma-ru-ga, Giám đốc phát triển thị trường Tổng cục Du lịch Thụy Sĩ giới thiệu với đoàn khách Việt Nam như vậy ngay khi đặt chân đến Thụy Sĩ. En-gơ-bớc, một thành phố nhỏ ở miền trung Thụy Sĩ bạt ngàn những đồi thông trùng điệp, những ngôi nhà cổ kính và bốn bề chung quanh là những đỉnh núi mù khơi đầy mây bay và tuyết trắng.
Muốn chinh phục núi Tít-lít trên độ cao hơn 3.000 mét nằm trong thung lũng trên cao nguyên giá lạnh, du khách phải trải qua một hành trình đặc biệt thú vị và cũng thật ngoạn mục: ba lần đổi hệ thống cáp treo, trong đó có một hệ thống cáp treo Rotair vừa xoay vòng, vừa được kéo lên đỉnh núi. Trên cáp treo Rotair, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bao la hiện ra với những thung lũng xanh rì, ngắm nhìn đàn bò được vỗ béo với cỏ non để cung cấp thật nhiều sữa tươi giúp Thụy Sĩ trở thành đất nước nổi tiếng với nghề sản xuất các loại pho-mai, và cả đâu đó tiếng lục lạc của trâu bò vọng đến từ những thung lũng... Vượt qua những rừng thông đặc thù hun hút, đặc thù của vùng núi An-pơ, những thác nước và những chiếc hồ tuyệt đẹp trên núi..., chỉ sau ít phút là đến với dải băng đá nơi đỉnh núi. Tại đây, du khách có cơ hội thử sức, đưa sâu vào lòng băng tuyết, một hố sâu mà thiên nhiên đã tạo ra trên đỉnh Tít-lít thông qua hệ thống ròng rọc.
Hệ thống cáp treo hầu như có mặt khắp nơi ở các đỉnh núi cao của đất nước này nhưng Rotair chính là xe cáp treo xoay vần đầu tiên và lớn nhất thế giới, sau đó mới đến xe cáp treo tương tự ở thành phố Cape Town, Nam Phi.
Ngồi đoàn tàu điện mang tên "Sông băng tốc hành" (Glacier Express), chúng tôi thật sự được trải nghiệm cảm giác thay đổi những độ cao khác nhau, tạo điều kiện cho du khách khám phá gần hết chiều ngang của miền nam Thụy Sĩ. Do phải chạy ở những địa hình cheo leo, hiểm trở nên từ De-mát đến Xanh Mo-rít, tàu Glacier Express phải mất hơn bảy giờ đồng hồ, được mệnh danh là "tàu tốc hành chậm nhất thế giới". Có thể nói, tàu "Sông băng tốc hành" là một kỳ công của công nghệ đường sắt, băng qua vực sông Rin, những hồ nước trên núi cao, 291 cây cầu lớn, nhỏ, 91 đường hầm và rất nhiều cầu dẫn nước. Nổi tiếng nhất là cầu dẫn nước Lan-ua-xơ, một công trình kiến trúc vĩ đại với năm cột trụ hình vòng cung cao 65 m, dài 130 m... Tàu điện "Sông băng tốc hành" và cảnh quan thung lũng An-ba-la/Béc-ni-a đã được UNESCO công nhận Di sản Thế giới năm 2008.
Kích cầu du lịch từ Chính phủ
Năm nay, ngoài việc tiếp nhận 15 triệu phơ-răng Thụy Sĩ từ chương trình hỗ trợ, kích cầu du lịch của Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch ở đây còn đang thực hiện nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn du khách như giảm giá tour, giá tàu điện và giảm giá thuê khách sạn... Từ tháng 12-2008, Thụy Sĩ chính thức gia nhập Hiệp ước Schengen (quy định công dân nước ngoài có visa với thời hạn dưới 90 ngày của một nước tham gia Hiệp ước được phép đi lại tự do tới các nước tham gia còn lại), đánh dấu mốc mới trong quá trình hội nhập của Thụy Sĩ vào châu Âu.
Ông An-đrây Nép, phụ trách Hệ thống Du lịch Thụy Sĩ cho biết: Hệ thống tàu điện là một trong những phương tiện quan trọng nhất đối với ngành du lịch của Thụy Sĩ. Có đến 6.000 km đường xe lửa, 1.000 km đường sắt trên núi; 23.000 trạm xe công cộng; 200 công ty vận chuyển với 150 tuyến xe lửa và xe buýt xuyên các nước. Người dân hầu như lấy tàu điện làm phương tiện chính vì sự tiện ích và nhanh chóng của nó. Ðến nay, người Thụy Sĩ vẫn giữ danh hiệu vô địch thế giới về tham gia giao thông bằng tàu điện và số lần sử dụng trong năm. Trung bình mỗi người dân ở đây di chuyển hơn 2.000 km và gần 50 lần đi lại bằng tàu điện mỗi năm. Chỉ cần một tấm thông hành đã đăng ký gọi là "Swiss Pass" là bạn có thể du hành khắp Thụy Sĩ, được giảm 50% giá vé đi tàu điện, xe buýt; được miễn phí vé tham quan 400 bảo tàng và các lâu đài trên cả nước Thụy Sĩ.
"Ðiểm đến" cho hợp tác du lịch
Ông Phe-đơ-ri-cô Som-ma-ru-ga, Giám đốc phát triển thị trường Tổng cục Du lịch Thụy Sĩ đánh giá: "Việt Nam là thị trường tiềm năng. Mỗi năm, lại ngày càng có nhiều khách khu vực châu Á du lịch Thụy Sĩ nhưng chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Ðộ. Dù đã có chương trình xúc tiến du lịch tại Việt Nam nhưng gần như chúng tôi không có nhiều thông tin nhiều về Việt Nam. Thông qua đoàn công tác của các công ty lữ hành Việt Nam, chúng tôi hy vọng một, hai hoặc ba năm tới, du khách, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam sẽ đến Thụy Sĩ nhiều hơn, và ngược lại sẽ có nhiều người Thụy Sĩ chúng tôi sang thăm đất nước các bạn".
Trò chuyện vui với nhóm khách đến từ Việt Nam, ông An-đrây Ku-ten, Giám đốc Công ty Du lịch Tít-lít bắt đầu bằng vài câu tiếng Việt mới học được từ những lần đến Việt Nam. Ông cho biết, nhiều điểm đến của Việt Nam như Sa Pa, Ðà Lạt phần nào có nét tương đồng với cảnh quan thiên nhiên ở Thụy Sĩ. Nếu các bạn biết khai thác tiềm năng của chính những miền đất ấy, đó chính là cơ hội để phát triển du lịch và thu hút ngày càng nhiều khách đến từ Thụy Sĩ chúng tôi. An-đrây Ku-ten nêu kinh nghiệm làm du lịch chính bằng chuyến "dẫn" chúng tôi về De-mát, một thị trấn nhỏ nằm giáp biên giới giữa Thụy Sĩ và I-ta-li-a. Không chỉ khiến khách ngỡ ngàng như bước vào "rừng" hoa trên khắp phố núi này, mà De-mát mùa cao điểm chỉ có 1.600 dân "thường trú" nhưng họ phục vụ mỗi ngày có khi đến 5.000 du khách. Ngọn núi Mát-tơ-hon ở thị trấn hoa là một trong bảy ngọn núi được xem là đẹp nhất châu Âu và hiện tại cùng với vịnh Hạ Long của Việt Nam và 26 cảnh quan thiên nhiên trên thế giới đang vào vòng chọn ra 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới, do Tổ chức New 7 Wonders of Nature khởi xướng bình chọn qua in-tơ-nét.
Một số công ty du lịch của Việt Nam như Blue Sky Travel, TST Tourist, Saigontourist, Vietravel, Saigon Travel, Viettour và các cơ quan, đơn vị du lịch lữ hành của Thụy Sĩ đã hợp tác giới thiệu, phát triển du lịch tới các điểm đến của hai nước.