Vừa được rèn luyện sức khỏe, thư giãn tâm trí, vừa khám phá thêm nhiều vẻ đẹp thiên nhiên cả trên cạn lẫn dưới nước, du lịch lặn biển là loại hình du lịch được ưa thích khoảng ba năm gần đây ở Việt Nam, nhất là với giới trẻ. Lặn biển mở ra những góc nhìn mới mẻ, thu hút khách tham quan và trải nghiệm các vùng biển hoang sơ ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Yến (Phú Yên), Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)...
Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có nhiều điểm lặn biển hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh OnBird Phú Quốc)
Du lịch lặn biển được biết đến nhiều ở Việt Nam một phần cũng nhờ những tương tác trên mạng xã hội. Không ít khách du lịch tham gia các tour lặn biển vì đam mê những khung hình lung linh ấn tượng của thế giới trong lòng biển cả. Tuy nhiên, lặn biển được xếp vào loại thể thao mạo hiểm, ngay cả khi đã tập luyện nhiều thì môi trường biển cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố không ổn định với người lặn.
Nhưng cũng vì vậy, du lịch lặn biển vẫn mang đến những chuyến phiêu lưu gây “nghiện”, thu hút một cộng đồng đông đảo. Trên mạng xã hội, đã có hơn 20 hội nhóm quy tụ những người tham gia lặn biển. Nhóm đông nhất với gần 10.000 thành viên thường xuyên chia sẻ địa điểm đẹp, kinh nghiệm lặn, nơi cung cấp thiết bị, trung tâm dạy lặn có chứng chỉ uy tín...
Ðặc biệt, trải nghiệm lặn biển không chỉ mang lại nhiều kiến thức lý thú mà còn được nuôi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường, trân quý biển đảo quê hương. Một số câu lạc bộ lặn duy trì việc huy động thợ lặn và du khách tham gia dọn rác, ươm trồng san hô để bảo tồn và khôi phục phần nào môi trường biển. Có thể kể đến nhóm Ðà Nẵng Free Diving do anh Ðào Ðặng Công Trung (Ðà Nẵng) sáng lập, hay nhóm Reef Master Vietnam do anh Nguyễn Hà Minh Trị (Nha Trang, Khánh Hòa) khởi xướng... |
Lặn biển tại Việt Nam hiện nay có thể chia hai loại: lặn sâu với bình dưỡng khí (scuba diving) và lặn tự do với ống thở (free diving). Theo khảo sát, nhiều đơn vị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) đã nắm bắt nhu cầu và mở khóa đào tạo lặn chuyên nghiệp, cung cấp đồ lặn tiêu chuẩn quốc tế, cấp chứng chỉ của Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp thế giới (PADI) hoặc Hiệp hội Lặn biển quốc tế (SSI). Khóa học thường gồm ít nhất năm buổi với giá 6 - 9 triệu đồng, còn tour lặn tại các điểm du lịch dao động từ 1 đến 3 triệu đồng tùy thời gian và dịch vụ đi kèm.
Thời gian qua, đảo Phú Quý (Bình Thuận) là cái tên “hot” hàng đầu vì quanh năm ấm áp, biển xanh cát trắng, nhiều bãi lặn đẹp với độ sâu lý tưởng và rạn san hô kỳ thú. Anh Phạm Tấn Hiệp, hướng dẫn viên trên đảo cho biết mỗi tuần đón khoảng 150 - 300 khách, hầu hết đều chọn dịch vụ lặn biển kèm chụp ảnh, quay video. Tour thiết kế chuyên nghiệp, an toàn, sau đó khách đăng ảnh đẹp lên mạng khiến thêm nhiều người chú ý, tìm đến. Du khách cũng được hướng dẫn, nhắc nhở các quy tắc an toàn và giữ gìn môi trường biển, như: không xả rác, không dùng kem chống nắng hay hóa chất độc hại, không sờ, bẻ hoặc giẫm đạp lên san hô...
Sở hữu đường bờ biển dài, nhiều hệ sinh thái đảo và vịnh biển phong phú cùng bản sắc văn hóa duyên hải đậm đà, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng không nhỏ để phát triển sản phẩm du lịch lặn biển. Năm 2020, tạp chí Forbes (Mỹ) gọi tên Nha Trang trong top 10 điểm đến không thể bỏ qua của các “tín đồ” lặn biển.
Năm 2023, trang tin du lịch uy tín ở châu Âu Traveldudes tôn vinh Việt Nam là một trong những nơi lặn biển hấp dẫn nhất hành tinh với ít nhất bốn điểm lặn tuyệt đẹp là Nha Trang, Phú Quốc, Côn Ðảo, Cù Lao Chàm. Dưới làn nước trong xanh, hệ sinh thái biển với những rạn san hô muôn hồng nghìn tía, cánh đồng rong óng ả, các loài hải quỳ, tôm cá đa dạng... khiến du khách say mê. Mỗi vùng biển mang những đặc trưng riêng về sinh thái, sinh hoạt. Khách lặn biển có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi trải nghiệm khác như chèo ván đứng (SUP), lướt sóng, tham quan làng chài, thưởng thức ẩm thực địa phương...
Mới đây, ngày 12/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa công bố thống nhất phương án tổ chức thí điểm lặn biển thể thao giải trí tại bốn điểm trên vịnh Nha Trang để phục vụ du khách, bao gồm: phía bắc đảo Hòn Rùa (phường Vĩnh Hòa), khu vực thả rạn nhân tạo tại phường Vĩnh Hòa, phía đông bắc đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên) và vùng giáp ranh giữa Bãi Tranh và Bãi Sỏi (phía đông đảo Trí Nguyên).
Theo đánh giá, các rạn san hô và hệ sinh vật biển tại những khu vực này phong phú, việc khai thác điểm lặn không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và thuận lợi cho việc vận chuyển du khách... Nhiều năm qua, thành phố Nha Trang là điểm đến yêu thích của dân lặn biển quốc tế và gần đây tiếp tục trở thành điểm sáng thu hút du khách nội địa tiếp xúc với bộ môn lặn.
Theo nhiều hướng dẫn viên, chuyên gia du lịch, tiềm năng du lịch lặn biển ở Việt Nam đã được khẳng định, song thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt vào những mùa cao điểm du lịch trong năm. Ðể phát triển bền vững, các điểm lặn ngắm san hô cần được chính quyền địa phương nghiên cứu, quy hoạch, cấp phép đầy đủ cho các đơn vị đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động du lịch đặc thù này cũng cần được chú trọng, chẳng hạn như đưa ra quy định rõ ràng và chế tài xử phạt thích hợp với công ty du lịch hoặc du khách vi phạm.
Bên cạnh những điểm lặn truyền thống đã có tiếng, một số địa phương ven biển miền trung gần đây cũng dần phát triển loại hình du lịch kết hợp lặn biển, gồm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Hòn Khô (Bình Ðịnh), vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận)... Ở miền bắc, dịch vụ lặn biển giải trí duy nhất được cấp phép hoạt động có mặt ở đảo Thanh Lân (huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh) từ tháng 4/2023. |
Mỹ Hạnh