Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, nhiều địa phương của tỉnh Quang Ninh như Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn, Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái... đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) tạo ra các sản phẩm độc đáo, mới mẻ. Qua đó, không chỉ góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Những tín hiệu tích cực
DLCĐ ở Quảng Ninh ra đời sau so với các loại hình du lịch khác song được đánh giá là một trong những mô hình phát triển du lịch có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và phát triển bền vững, tạo ra trải nghiệm thú vị cho du khách, trên cơ sở khai thác những giá trị về cảnh quan, lịch sử, văn hóa tại cộng đồng. Đồng thời, thu hút, thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa.
Đồng bào dân tộc Dao xã Kỳ Thượng tham gia làm du lịch tại Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm (TP Hạ Long).
Một trong số các mô hình DLCĐ mới có bước phát triển ổn định, thu hút được đông đảo du khách trong thời gian qua phải kể đến Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long). Khai thác tối đa, hiệu quả nét đẹp văn hóa bản địa từ kiến trúc nhà truyền thống, ẩm thực, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc Dao nơi đây, các sản phẩm du lịch tại Am Váp farm được du khách đón nhận, yêu mến.
Chị Nguyễn Thị Hiên, du khách TP Hải Phòng chia sẻ: Lần đầu tiên được đến và trải nghiệm khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm tôi rất ấn tượng. Không gian kiến trúc khu du lịch hài hòa với thiên nhiên núi rừng, không khí trong lành. Đặc biệt, nhân viên tại đây cũng là người dân bản địa rất nồng hậu, thân thiện, đón tiếp và giới thiệu giúp chúng tôi biết thêm nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào.
Là xã vùng cao biên giới của TP Móng Cái, với gần 87% cư dân là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, những năm gần đây, xã Hải Sơn tập trung xây dựng mô hình DLCĐ với nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn du khách. Không chỉ là địa phương giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng DTTS, Hải Sơn còn có cảnh quan tươi đẹp với thác 72 gian kỳ vĩ, hồ Tràng Vinh, núi Panai, đỉnh Mã Thàu Sơn, làng bích họa Pò Hèn rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc… Đặc biệt, nơi đây có Khu Di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, điểm đến tâm linh thu hút hàng ngàn du khách đến thăm viếng mỗi năm. Từ năm 2022, “Lễ hội hoa sim biên giới” lần đầu tiên được tổ chức và duy trì thường niên đã tiếp tục tạo sức hút cho xã biên giới.
Đồng bào dân tộc Dao xã Hải Sơn (TP Móng Cái) giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đến du khách tại Lễ hội hoa sim biên giới 2024.
Ông Nịnh Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, cho biết: Từ các hoạt động du lịch, người dân dần nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường sống, tự cải tạo cho ngôi nhà của gia đình, giữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp hơn; tích cực gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa, trò chơi dân gian, nghề truyền thống... Từ đây, tạo cơ sở để địa phương tiếp tục phát triển DLCĐ bền vững gắn với khai thác hiệu quả giá trị văn hóa bản địa.
Ngoài ra, có thể kế đến các mô hình DLCĐ để lại dấu ấn như: Khu du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều), mô hình DLCĐ xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), các mô hình du lịch homestay trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ như homestay A Dào, homestay Hoàng Sằn, homestay Hồng Đông (Bình Liêu), mô hình DLCĐ xã Đại Dực (Tiên Yên)….
Du khách vui chơi, check-in trong trang phục truyền thống của dân tộc Dao Thanh Phán tại Hội mùa vàng Bình Liêu năm 2023.
Song trên thực tế, sự phát triển các mô hình DLCĐ tại một số địa phương còn manh mún, chưa bền vững do nhiều nguyên nhân nhất là tại vùng DTTS - nơi có nhiều dư địa phát triển DLCĐ. Tại huyện Bình Liêu nơi có gần 96% đồng bào DTTS, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tài nguyên văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Bình Liêu có nhiều tiềm năng cho phát triển DLCĐ mạnh mẽ. Với những định hướng, nỗ lực của chính quyền, người dân, đến nay, các mô hình DLCĐ tại Bình Liêu tuy đã bước đầu tạo sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương song quy mô còn khá khiêm tốn do chưa hút được các nhà đầu tư lớn. Vì vậy, việc phát triển DLCĐ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng quy hoạch, mục tiêu phát triển du lịch chung của tỉnh, huyện.
Trợ lực cho du lịch cộng đồng phát triển bền vững
Nhằm tạo động lực, bước đột phá trong phát triển DLCĐ đáp ứng tiềm năng, xu thế du lịch trải nghiệm của khách du lịch, ngày 29/12/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh. Đây cũng được coi là “cú hích” mạnh mẽ cho phát triển DLCĐ tại các vùng DTTS của tỉnh.
Mục tiêu của đề án là phát triển DLCĐ là bước đầu tiên hiện thực hóa khâu đột phá về xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ do chính người dân địa phương biểu diễn được duy trì đều đặn tại phố đi bộ Tiên Yên dịp cuối tuần.
Giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Ninh xây dựng 9 điểm DLCĐ có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững tại các địa phương Uông Bí, Quảng Yên, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái. Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các chính sách; điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển DLCĐ còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Cụ thể hóa các mục tiêu này, các sở, ngành, địa phương ưu tiên các nguồn lực xây dựng các đề án, dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ DLCĐ, trong đó chú trọng, ưu tiên cho các dự án kết nối giao thông giữa điểm DLCĐ với các tuyến giao thông chính. Đồng thời, xây dựng một số mô hình sản phẩm DLCĐ như: Mô hình DLCĐ gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số và cảnh quan tự nhiên, trải nghiệm văn hóa nông nghiệp, nông thôn, văn hóa biển, du lịch tâm linh; tiếp tục quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch…
Du khách trải nghiệm dịch vụ ngâm chân thảo dược dân tộc tại mô hình du lịch cộng đồng người Dao Thanh Y (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí). Ảnh: Việt Hoa
Cùng với đó, hiện các địa phương đang tích cực xây dựng 4 làng DLCĐ là: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái); làng người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn) và làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu).
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện và xã Lục Hồn, Húc Động tập trung thực hiện, bước đầu xây dựng mô hình mẫu về phát triển DLCĐ tại địa phương. Xác định người dân phải là chủ thể, là động lực của chương trình, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn văn hóa thông qua việc bảo tồn nhà cổ, gìn giữ các lễ hội, văn hóa truyền thống từ trang phục, ẩm thực, nếp sinh hoạt, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tạo cảnh quan làng bản xanh, sạch, đẹp… Song cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của huyện, nhân dân, Bình Liêu rất cần có sự chung tay của doanh nghiệp, góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển DLCĐ tại địa phương.
Với đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách, tin tưởng DLCĐ Quảng Ninh sẽ có bước tiến mới, song để DLCĐ phát triển bền vững thì trước tiên vẫn cần một cộng đồng thực sự muốn làm du lịch, sẵn sàng làm du lịch, sau đó là sự song hành, chung tay của chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Nguyễn Dung