Du lịch cuối tuần ở trảng cỏ sinh thái Bàu Lạch

Cập nhật: 09/11/2009
Giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh, rừng thưa, rừng tái sinh rậm rạp thuộc địa phận tỉnh Bình Phước, bỗng xuất hiện những trảng cỏ kết nối nhau thành một thảo nguyên rộng chừng 500ha mang tên Bàu Lạch. Đây là một trong những điểm đến khá hấp dẫn của tỉnh Bình Phước.

Từ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, theo quốc lộ 14 cách thị trấn Đức Phong (huyện Bù Đăng) khoảng 15km, du khách sẽ tới trảng cỏ Bàu Lạch (hay còn gọi là Bù Lạch). Bàu Lạch là một trảng cỏ tự nhiên, khá bằng phẳng và độc đáo. Cỏ ở đây đa phần là cỏ chỉ, cỏ kim, hoặc cỏ stylo, mọc cao không quá 10cm. Những trảng cỏ mướt xanh như tấm thảm thoai thoải mênh mông làm mát mắt du khách. Xen giữa trảng cỏ rộng lớn là những hồ nước trong xanh. Trong các hồ này có nhiều loài cá nước ngọt sinh sống. Hồ nước ở Trảng Lớn rộng và đẹp nhất. Ở các khu vực trảng cỏ và hồ có nhiều loài chim, cò bay lượn rất tự nhiên. Nằm cách rừng cấm Nam Cát Tiên không xa nên hệ động thực vật ở Bàu Lạch rất phong phú. Địa hình ở đây khá đặc biệt: không có núi nhưng rất nhiều đồi đất ba-zan cao trên dưới 400m, những quả đồi chạy dài, có nơi thoai thoải nhưng có nơi sườn khá dốc.

Nếu thích mạo hiểm, du khách có thể đi theo lối mòn xuyên rừng. Trên đường vào trảng cỏ, có những tấm biển chỉ dẫn bằng gỗ đeo ở trên thân cây. Thoạt đầu, du khách còn nghe thấy tiếng gà rừng gáy xa xa và tiếng chim hót líu lo nhưng rồi càng vào sâu, rừng càng thâm u, vắng vẻ. Sau một hồi đi bộ, bất chợt hiện ra trước mắt du khách là một trảng cỏ rộng lớn. Trên đó những con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ. Phong cảnh yên bình, tĩnh lặng khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Theo người dân địa phương, những đồng cỏ như thế này xen kẽ với rừng nguyên sinh cho tới tận đầu nguồn sông Đồng Nai.

Bàu Lạch rất thích hợp với các kỳ nghỉ cuối tuần. Vào mùa hè, nhiều đoàn du khách, du khảo, sinh viên, học sinh đến cắm trại ở đây. Các đoàn thường tổ chức các trò chơi hấp dẫn trên đồng cỏ như: thả diều, chạy việt dã, đốt lửa trại...

Đến trảng cỏ Bàu Lạch, du khách còn có cơ hội thăm bản của người X’tiêng gần đó để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của bà con dân tộc. Nếu đến đúng vào dịp lễ hội, bạn sẽ có dịp thưởng thức những điệu múa, hát trong tiếng chiêng, cồng, khèn bầu với những âm thanh rộn ràng, sinh động.  

Biên tập: Diệu Linh-VTC

 

Nguồn: Tổng hợp