Nếu như trước đây, các không gian sáng tạo ở Hà Nội chủ yếu liên quan đến những loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại, thì nay đã xuất hiện không ít không gian sáng tạo chuyên về mỹ thuật truyền thống, điển hình như các không gian sáng tạo: Magic of Color, Phường Bách Nghệ…
Các bạn trẻ đang sáng tạo chiếc đèn bàn trang trí bằng tranh dân gian Hàng Trống khi tham gia hoạt động của Magic of Color.
Bằng những hoạt động như: Tọa đàm, triển lãm, workshop, sáng tạo ra những sản phẩm mới từ chất liệu truyền thống…, họ đang giúp nhận thức cộng đồng được nâng cao; kết nối nghệ nhân với thị trường; qua đó, giúp nhiều giá trị mỹ thuật truyền thống được hồi sinh, lan tỏa.
Dịp Tết Trung thu đang đến gần, các thành viên của không gian sáng tạo Magic of Color (số 75 phố Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tất bật chuẩn bị cho "mùa trăng" mới theo một cách rất khác biệt.
Lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống
Sản phẩm của Magic of Color năm nay là một bộ đèn kéo quân, một bộ đèn thả. Hình ảnh trang trí trên những chiếc đèn được khai thác từ năm bức tranh dân gian Hàng Trống, thể hiện năm trò chơi: Múa lân, Múa rồng, Kéo co, Rồng rắn lên mây và Bịt mắt bắt dê.
Chị Nguyễn Thị Hữu, người sáng lập Magic of Color hướng dẫn chúng tôi xem thiết kế chiếc đèn lấy từ bức tranh Múa lân. Một mặt là toàn cảnh bức tranh trẻ em vui đùa cùng con lân đang múa; mặt khác là hình ảnh được tách ra từ bức tranh chính, với những cô bé, cậu bé cầm trên tay chiếc đèn thỏ ngọc hay đèn cá chép…
Chị Nguyễn Thị Hữu cho biết: "Từ tranh chuyển sang đèn là cả một quá trình "chuyển thể". Các nghệ sĩ phải vẽ lại bức tranh trên giấy dó với kích thước phù hợp; đồng thời, tạo ra một thiết kế đèn có tính ứng dụng cao. Thí dụ, những bức tranh giấy dó được dán lên giấy tản nhiệt, điều này giúp tản nhiệt, tản sáng cho đèn, khiến đèn rất bền, không có nguy cơ bị cháy".
Chuỗi hoạt động đón Trung thu có chủ đề "Màu ký ức" được triển khai từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2024. Tham gia chương trình, mọi người được tiếp xúc, giao lưu với các nghệ nhân về tranh dân gian, về đèn Trung thu; trải nghiệm làm đèn để có sản phẩm đem về.
Chị Nguyễn Thị Hữu vốn làm truyền thông ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Say mê mỹ thuật truyền thống, khi tìm hiểu về các làng nghề thủ công mỹ nghệ, chị nhận thấy một vấn đề: Việt Nam có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, nhưng các sản phẩm khó tiếp cận thị trường do những thiết kế không phù hợp, cũng như do lỗ hổng trong nhận thức của cộng đồng, nhất là giới trẻ. Chị tập hợp một số bạn trẻ để kết nối những giá trị mỹ thuật truyền thống đến cộng đồng.
Nhóm Magic of Color ra đời năm 2020, tập trung vào giới thiệu, khai thác tranh dân gian để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao; đưa tranh dân gian vào gốm trang trí. Magic of Color tổ chức các sự kiện, tọa đàm, những chuyến đi về các làng nghề cho cộng đồng; vừa trực tiếp sáng tạo ra các sản phẩm. Nhóm có nhiều loại sản phẩm như: Đèn trang trí, ống cắm bút, túi xách, tranh, bưu thiếp, bình giữ nhiệt, hũ đựng mứt kẹo…
Với quyết tâm tạo nên sản phẩm mới mang đậm "chất Việt", chị Hữu cùng đồng nghiệp đã đi đến nhiều làng nghề nghiên cứu, tìm hiểu rồi phối hợp các nghệ nhân chế tác sản phẩm. Điển hình trong đó là bộ đèn mang chủ đề "Sắc Việt" được làm hoàn toàn từ tre, gỗ, giấy dó. Một chiếc đèn mang hình ảnh trống đồng Hoàng Hạ, phần chân đèn là những chú chim Lạc bay lên; một chiếc tạo dáng theo chiếc trống Cảnh Thịnh; chiếc còn lại mang dáng dấp chiếc trống hội thời Nguyễn.
Những workshop trong mùa Trung thu năm nay được tổ chức trong một không gian "rất Hà Nội", đó là quán Cà phê Phố Hàng (đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm), nơi tái hiện nhiều nét đẹp của Hà Nội xưa. Magic of Color mời nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống, đến trực tiếp trò chuyện về tranh Hàng Trống với những thành viên tham gia.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết: "Khi tham gia chương trình, tôi thấy các họa sĩ trẻ ứng dụng, chuyển đổi hình tượng tranh dân gian lên các sản phẩm rất sáng tạo. Tôi mong muốn mọi người làm đẹp lên và lan tỏa hình tượng trong tranh Hàng Trống". Nhiều bạn trẻ sau khi tham gia các buổi workshop đã rất ngạc nhiên về văn hóa Việt, rồi từ đó tự tìm về tận các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Điều này khiến Magic of Color tiếp tục tập trung nhiều công sức vào tổ chức các hoạt động giao lưu, giới thiệu mỹ thuật truyền thống nhằm nuôi dưỡng tình yêu, "nuôi" thị trường cho mỹ thuật truyền thống.
Nếu như trước đây, những không gian sáng tạo chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo đương đại nhất là thời trang, hội họa, âm nhạc… thì nay, đang có thêm những không gian sáng tạo tập trung vào tôn vinh, khai thác những giá trị văn hóa truyền thống. Phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong số đó.
Người sáng lập ra Phường Bách Nghệ là Ngô Quý Đức. Năm nay gần 40 tuổi nhưng Ngô Quý Đức có tới gần 20 năm lặn lội ở những làng nghề trên khắp cả nước để nghiên cứu, tìm hiểu những giải pháp đánh thức giá trị làng nghề. Đức từng nổi tiếng với dự án "Về làng", khi triển khai rất nhiều hoạt động khác nhau. Từ nền tảng của hoạt động này, Ngô Quý Đức cùng các đối tác cho ra đời Phường Bách Nghệ.
Tháng 6 vừa qua, Phường Bách Nghệ trở thành không gian tổ chức chuyên đề "Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề". Chuỗi sự kiện này gồm các hoạt động như: Giới thiệu về lịch sử, văn hóa làng Thanh Liễu; giới thiệu, trình diễn kỹ thuật khắc và in mộc bản; giao lưu, thực hành nghề khắc mộc bản cùng nghệ nhân; tọa đàm với chuyên đề "Ứng dụng của mộc bản xưa và nay"…
Trong tháng 7, Phường Bách Nghệ lại tổ chức chuỗi sự kiện về nghề sơn, với chủ đề "Dã liên". Các nghệ nhân sẽ giới thiệu toàn bộ quy trình để làm ra một sản phẩm sơn mài đến công chúng, để từ đó, công chúng có thêm hiểu biết về nghề sơn, nét đẹp của sơn mài.
Còn dịp này, Phường Bách Nghệ giới thiệu nhiều nét văn hóa Trung thu đến giới trẻ. Song, những hoạt động workshop, giao lưu này mới là mở đầu. Bởi ngoài quảng bá, giới thiệu với công chúng, thông qua các hoạt động này, Phường Bách Nghệ còn là "cây cầu" kết nối nghệ nhân với các nhà đầu tư, nhà thiết kế…, từ đó ra đời những sản phẩm tinh hoa trên cơ sở khai thác giá trị mỹ thuật truyền thống.
Cần thêm những động lực
Việt Nam có hàng nghìn làng nghề thủ công mỹ nghệ - nơi lưu giữ những giá trị mỹ thuật truyền thống, nhưng không phải làng nghề nào cũng được duy trì và phát triển. Một trong những nguyên nhân chính là sản phẩm làng nghề thiếu sự thích ứng với cuộc sống đương đại, với nhu cầu của xã hội hay khách du lịch. Những năm gần đây, không ít làng nghề thủ công mỹ nghệ được hưởng lợi từ chương trình phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, chương trình này thường chú trọng đến yếu tố thị trường hơn chiều sâu văn hóa.
Một số cơ quan, đơn vị cũng thường mời các nghệ nhân đến giao lưu, giới thiệu giá trị văn hóa làng nghề, song, những không gian sáng tạo chuyên về mỹ thuật truyền thống như Magic of Color hay Phường Bách Nghệ vẫn là "của hiếm".
Ngoài mô hình không gian sáng tạo còn một số doanh nghiệp tập trung khai thác, phát huy tinh hoa làng nghề, điển hình như Trại Cá (phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội). Đơn vị này kết hợp với các làng nghề để tạo ra các sản phẩm trang trí, quà tặng, đồ gia dụng có tính mỹ thuật cao từ chất liệu tre, gỗ, giấy dó, gốm… trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Dù mô hình hoạt động khác nhau, nhưng họ đều có điểm xuất phát chung: Họ bắt đầu từ những trăn trở về khoảng cách giữa những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống với thị trường. Người nghệ nhân làng nghề có tay nghề giỏi, có thể tạo ra những sản phẩm giàu tính mỹ thuật, độ tinh xảo cao, nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Câu chuyện "gốc gác" của Phường Bách Nghệ là một điển hình. Nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về các làng nghề, Ngô Quý Đức nhận ra những làng nghề "sống khỏe, làm giàu" như Bát Tràng, Vạn Phúc, Sơn Đồng (Hà Nội) hay Đồng Kỵ (Bắc Ninh)... chỉ là số ít. Nghệ nhân phần nhiều ráo mồ hôi là… hết tiền. Kết quả là họ chủ yếu làm ra những sản phẩm bán được trước mắt để bảo đảm sinh kế, thay vì làm những sản phẩm tinh hoa, khẳng định đẳng cấp văn hóa Việt. Điều này khiến nhiều tinh hoa làng nghề, tinh hoa nghề truyền thống có nguy cơ phai nhạt.
Ngô Quý Đức chia sẻ về Phường Bách Nghệ: "Đây là dự án được tạo ra bởi sự liên kết giữa các nhà đầu tư, nghệ sĩ, nhà thiết kế, chuyên gia các lĩnh vực với nghệ nhân làng nghề. Sau quá trình tương tác, các bên sẽ hướng đến sự hợp tác. Mục đích cuối cùng là tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa - những sản phẩm tinh hoa cho làng nghề Việt. Những tinh hoa này góp phần tăng cường vị thế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt; đồng thời, truyền cảm hứng về nét đẹp văn hóa Việt tới cộng đồng, để mọi người cùng viết những chương mới cho nghề truyền thống, nhất là những nghề có giá trị mỹ thuật cao".
Mặc dù hoạt động của những không gian sáng tạo có ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần lan tỏa giá trị mỹ thuật truyền thống, đem lại những sáng tạo mới mẻ cho mỹ thuật truyền thống, cho làng nghề, tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa mang đậm bản sắc Việt, thế nhưng các nghệ nhân vẫn phải tự thân vận động mà hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Mỗi lần tổ chức các workshop hay các hoạt động tương tác, Magic of Color từng phải long đong tìm kiếm địa điểm tổ chức sự kiện.
Mãi gần đây mới có thể tìm được không gian "an cư" tại 75 phố Hàng Bồ. Kinh phí từ các hoạt động vẫn chỉ giúp các thành viên của Magic of Color tăng thu nhập. Tương tự là Phường Bách Nghệ. Để cộng đồng có thể tham gia các sự kiện giao lưu, tìm hiểu, tọa đàm, thực hành nghề truyền thống, mỹ thuật truyền thống miễn phí, Ngô Quý Đức phải chạy vạy để thỏa thuận với các bên tham gia, mỗi bên đóng góp một phần kinh phí.
Những không gian sáng tạo là mô hình hoạt động văn hóa còn khá mới mẻ, nhưng có đóng góp rất lớn trong phát triển văn hóa, nuôi dưỡng thị trường, lan tỏa giá trị văn hóa. Trong đó, những không gian sáng tạo chuyên về mỹ thuật truyền thống, rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền, từ các cơ quan văn hóa, để làm tốt hơn nữa vai trò "cầu nối" với cộng đồng.
Bài và ảnh: Giang Nam