Hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau công nguyên ở đồng bằng Nam Bộ, gắn với khu vực châu thổ hạ lưu sông Mê Kông, văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam và có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á cổ đại. Đây cũng là một trong 3 nền văn hóa cổ đại của Việt Nam, gồm Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền trung và Óc Eo ở Nam Bộ.
Di tích được đánh thức
Năm 1879, những cổ vật đầu tiên của nền văn hóa Óc Eo tại khu vực di tích Óc Eo-Ba Thê (tỉnh An Giang) đã được bác sĩ A.Corre đề cập trong tập san “Excursions et Reconnaisances” (tạm dịch “Du ngoạn và trinh sát”). Đáng chú ý, ngoài những công cụ bằng đá, tác giả còn đề cập tới “hai bản minh văn chữ Phạn và chữ Khmer cổ” khắc trên hai khối đá sa thạch nhưng không xác định chính xác vị trí phát hiện, một kiến trúc cổ chỉ còn lại phần móng, những phế tích cổ của chùa Prasat Brah Dhal (nay là chùa Linh Sơn)…
Sau đó, các học giả người Pháp như H.Parmentier, L.Finot, S.Karpeles… đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát và xác định rằng khu vực núi Ba Thê là một quần thể di tích kiến trúc rất lớn với nhiều phế tích được xây bằng gạch, đá, với các cấu kiện như mi cửa, các hiện vật như tượng Phật, tượng thần, linh vật…
Hiện vật được khai quật tại di tích văn hóa Óc Eo-Ba Thê.
Đến năm 1937, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã tiến hành khảo sát chuyên sâu, nghiên cứu nhiều di tích kiến trúc cổ và những di vật có liên quan tại nhiều điểm rải rác trên toàn Nam Bộ, trên cơ sở đó ghi nhận một số địa điểm có vết tích khảo cổ học trong vùng Ba Thê. Kết quả của những đợt khảo sát, khai quật và nghiên cứu của L.Malleret được công bố trong bộ sách “Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long” gồm bốn tập, được xuất bản từ năm 1959 đến năm 1963.
Được sự cho phép của tác giả, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã dịch và Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản tập II (Văn minh vật chất Óc Eo) và tập III (Văn hóa Phù Nam) năm 2021. Đích thân Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giềng tham gia tổ chức, chỉ đạo việc biên dịch và giới thiệu bộ sách giá trị này. Nhờ đó giới nghiên cứu và bất kỳ ai quan tâm đều có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tư liệu khả tín, giúp hình dung tương đối đầy đủ về nền văn minh Óc Eo trong quá khứ.
Gương đồng thế kỷ II-VII.
Nhẫn bò Nandin Giồng Cát.
Đồng thời, các cuộc khai quật được tiến hành trong nhiều thập kỷ qua đã giúp các nhà khoa học tìm thấy khối lượng lớn di tích, di vật, góp phần minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hóa Óc Eo, cho thấy Óc Eo là một trung tâm đô thị lớn, sầm uất và nổi tiếng bậc nhất của Vương quốc Phù Nam.
Với giá trị đặc biệt và tầm vóc to lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo - Nam Bộ)” (gọi tắt là Đề án Óc Eo). Đây là đề án khoa học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ được số lượng các nhà nghiên cứu lớn nhất; cập nhật đầy đủ và toàn diện nhất về tư liệu nghiên cứu; tiến hành khảo sát, thăm dò và khai quật với tổng diện tích lớn nhất, quy mô nhất với các phương tiện, phương pháp tiên tiến; phát hiện khối lượng di tích, di vật lớn nhất; đạt được những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu về địa tầng, tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo-Ba Thê trong không gian, thời gian văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.
Mô hình Tượng thần Brahma Giồng Xoài.
Mô hình Tượng phật đá Khánh Bình.
Mô hình bộ Linga-Yoni.
Năm 2012 Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Hiện Di tích văn hóa Óc Eo-Ba Thê có 8 bảo vật quốc gia.
Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi Báo cáo tóm tắt Hồ sơ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO để đề nghị đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới. Ngày 4/1/2022, UNESCO chính thức đưa hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa Thế giới. Hiện nay tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2026 hoàn thành và bảo vệ hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là di sản Văn hóa thế giới.
Khai thác giá trị di tích để phát triển du lịch
Theo đánh giá của chuyên gia các di tích lịch sử - văn hóa tại tỉnh An Giang là nguồn tài nguyên du lịch đầy tiềm năng và sức hấp dẫn mạnh mẽ, hoàn toàn có thể được khai thác và từng bước trở thành một sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương mà không một nơi nào có được.
Từ năm 2005 Khu di tích Óc Eo-Ba Thê, chính thức đưa vào khai thác phục vụ du lịch với các điểm đón khách đến di tích nằm rải rác quanh thị trấn và bao bọc núi Ba Thê như: di tích Gò Cây Thị, di tích Nam Linh Sơn Tự, khu Nhà Trưng Bày Cổ Vật Óc Eo trên đỉnh núi, chùa Phật Bốn tay…
Thời điểm đó, số lượng nhân viên làm việc tại khu di tích (thuộc quản lý của Ban Quản lý du lịch văn hóa huyện Thoại Sơn) mới chỉ có 10 nhân viên bao gồm thuyết minh viên, bảo vệ, phục vụ phòng.
Chùa Linh Sơn còn được gọi là chùa Phật bốn tay núi Ba Thê, tọa lạc tại xã Vọng Thê (nay là thị trấn Óc Eo), huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Đây là một di tích cấp quốc gia, và là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của tỉnh.
Năm 2013, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang (Ban Quản lý) được thành lập. Năm 2016, Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo được xây dựng mới và đưa vào sử dụng. Ban Quản lý đã bước đầu tổ chức đón tiếp và phục vụ khách tham quan. Từ đó cho đến nay đã thu hút được một lượng khách nhất định và tăng dần đều theo các năm. Nếu như năm 2014 số khách tham chỉ 5.032 người thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên 8.603.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động du lịch, dịch vụ trên cả nước cũng như tại khu di tích văn hóa Óc Eo gần như bị tê liệt. Bước sang năm 2023, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã tổ chức tiếp đón khoảng 25.000 lượt khách, đông hơn gấp đôi so với những năm trước, song chủ yếu là khách nội địa, khách nước ngoài đến khu di tích chủ yếu là khách tham quan nghiên cứu đến từ các nước Australia, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan…
Một hiện vật của nền văn minh Óc Eo.
Chính nhờ các hoạt động du lịch khai thác giá trị của di tích văn hóa Óc Eo đã từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của chính người dân địa phương. Cụ thể người dân đã ý thức rõ hơn về việc khai thác lợi thế của tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, thiên nhiên và mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch. Khách sạn, nhà hàng bắt đầu mọc lên. Mặc dù nguồn thu từ du lịch tuy chưa nhiều song phần nào đã giúp người dân cải thiện đời sống vật chất và tinh thần; các dịp lễ Tết người dân có thêm điểm tham quan, vui chơi, ngắm cảnh, giải trí và sinh hoạt lành mạnh.
Bộ tem Văn hóa Óc Eo.
Tuy nhiên khách quan đánh giá, việc khai thác di sản văn hóa Óc Eo-Ba Thê phục vụ phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Trong số những nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến đó là công tác đầu tư cho cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, sản phẩm du lịch còn chưa hấp dẫn, công tác quảng bá chưa thực sự hiệu quả. Thực tế này đặt ra những yêu cầu có tính cấp bách đối với việc khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, từ đó tạo nguồn thu để đóng góp lại cho công tác bảo tồn di tích càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn.
Yêu cầu trong thời gian tới
Ngày 23/01/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 115/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đáng chú ý, trong các mục tiêu được đề ra xác định rõ yêu cầu: “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học để nhận diện đầy đủ và làm sáng tỏ giá trị của nền văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang. Kết nối với các điểm đến quan trọng của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử - văn hóa, sinh thái sông nước, đồng quê, nông nghiệp và du lịch, chuyên đề khảo cổ học văn hóa Óc Eo”. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, Quy hoạch phân khu chức năng đã dành diện tích 231,6ha làm khu vực phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch.
Khách tham quan Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo. (Ảnh: Thi Phong)
Quyết định số 115/QĐ-TTg cũng định hướng rõ việc phát huy giá trị di tích gắn với du lịch trên cơ sở xác định cụ thể các sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm: Du lịch trải nghiệm và du lịch sinh thái.
Với loại hình du lịch trải nghiệm, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu văn hóa Óc Eo bằng công nghệ 3D thực tế ảo; trải nghiệm đời sống sông nước của cộng đồng dân cư bản địa như tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử, ẩm thực, cây kiểng Nam bộ,…; trải nghiệm nghiên cứu khảo cổ học gắn với hoạt động điều tra, thăm dò và thực hành khai quật khảo cổ. Với loại hình du lịch sinh thái sẽ khai thác tuyến kênh Ba Thê mới, kênh vành đai núi Ba Thê và kênh Thổ Mộ để hình thành tuyến du lịch đường thủy.
Đồng thời, liên kết di tích Óc Eo-Ba Thê với các điểm du lịch quan trọng của vùng Tứ giác Long Xuyên để du khách trải nghiệm, khám phá cảnh quan vùng quê sông nước vào mùa nước nổi, khám phá cảnh quan thiên nhiên gắn với núi Ba Thê. Ngoài ra còn có các sản phẩm du lịch được hỗ trợ thông qua hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến di tích Óc Eo.
Chủ trương, đường hướng đã được xác định rõ ràng, điều quan trọng lúc này là sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, huy động sự tham gia của người dân để tạo ra những bước phát triển đột phá trong hoạt động du lịch trên địa bàn. Hiện nay nhờ nguồn ngân sách cùng với việc huy động từ nhiều nguồn đóng góp đã giúp cho cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Thoại Sơn và các khu vực lân cận từng bước được cải thiện, đường xá được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, du khách có thể chạy xe ô tô lên đỉnh núi Ba Thê, đường ra di tích Gò Cây Thị. Nhiều sản phẩm du lịch khai thác giá trị di sản cũng được triển khai. Công tác duy tu, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh được chú trọng.
Đường lên chùa Linh Sơn đã được cải tạo khang trang.
Để tạo ra một điểm đến thu hút khách du lịch, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, kiên quyết xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, an toàn và thân thiện tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở nghỉ ngơi, ăn uống, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, các cửa hiệu thương mại… Đáng chú ý, địa phương cũng như các đơn vị có liên quan đã quan tâm đưa đi đào tạo đại học, hướng dẫn viên cho hàng chục người có chuyên môn văn hóa - du lịch trong Ban Quản lý Du lịch Văn hóa huyện Thoại Sơn trước đây, nay là Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang. UBND tỉnh cũng đã điều động và cho đào tạo nhiều cán bộ, công chức, viên chức có học vị Cử Nhân, Thạc Sỹ, Tiến Sỹ…, trong đó có một số người làm hướng dẫn viên du lịch chuyên về văn hóa Óc Eo. Nhờ vậy, nguồn nhân lực tại chỗ đã từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương, nhất là lĩnh vực văn hóa, du lịch trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến khám phá và trải nghiệm văn hóa Óc Eo-Ba Thê.
Đây là những tiền đề quan trọng giúp khu di tích văn hóa Óc Eo-Ba Thê từng bước trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách tìm đến để trải nghiệm và khám phá những giá trị văn hóa độc đáo. Thực tế cho thấy việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn, không những đem lại các lợi ích kinh tế - xã hội, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích thông qua việc giới thiệu đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Do đó, thời gian tới, việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa Óc Eo cần được chú trọng đẩy mạnh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch An Giang nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Phong Điệp, Thanh Bình