Hợp tác trong bảo tồn, tôn tạo di tích Yên Tử - Quảng Ninh

Cập nhật: 23/09/2024
Trong những năm qua, nhận diện được những giá trị, tiềm năng to lớn của Yên Tử, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hợp tác hiệu quả nhằm tôn tạo di tích gắn với phát huy, nhất là khai thác cho phát triển du lịch bền vững của địa phương.

Hiện vật có niên đại thế kỷ 13, 14 được tìm thấy tại Yên Tử.

Thời gian qua, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn dập, dịch 101 văn bia, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ 803 hiện vật có giá trị, trong đó có 770 hiện vật đã được lập hồ sơ dưới dạng miêu tả, chụp ảnh, đánh số hiện vật. Ban cũng đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành 12 đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ trong khu vực di tích, phát hiện nhiều di vật, tách lập được hệ thống bản vẽ mặt bằng của các điểm di tích, giúp giải mã nhiều vấn đề về khoa học, lịch sử, văn hóa liên quan đến danh nhân, di tích và không gian quy hoạch tổng thể khu di sản Yên Tử.

Trong việc tôn tạo di tích, danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí đã đặt trong mối liên kết với các khu di tích tại Thị xã Quảng Yên và Thị xã Đông Triều. Theo quan điểm của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phải nhìn nhận trận Bạch Đằng năm 1288 trong một không gian tổng thể. Các nguồn tư liệu đều xác nhận vùng đất "địa linh nhân kiệt" có vị trí chiến lược bảo vệ cho toàn bộ vùng chính là quê hương đầu tiên của nhà Trần, nơi nhà Trần xây dựng thành khu thánh địa, trung tâm Phật giáo, trung tâm văn hóa tâm linh lớn nhất đất nước.

Do đó, khi xây dựng các quy hoạch đều đặt ra vấn đề kết nối các di tích trong hợp phần di sản thế giới ở các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, Uông Bí cũng nên kết nối với những địa phương có di tích liên quan đến nhà Trần để hình thành chuỗi liên kết du lịch văn hóa tâm linh, đặc biệt giữa các địa phương nằm trong quần thể di tích thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng địa phương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách. Theo quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc, liên kết sẽ đem lại những giá trị to lớn và rất có ý nghĩa cho sự phát triển bền vững. Mỗi địa phương có thể phát huy hoàn cảnh cụ thể trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đang mở rộng cửa, tăng cường các mối quan hệ liên kết.

Khu vực chùa Đồng, Yên Tử nhìn từ trên cao.

Thành phố Uông Bí đã sẵn sàng chuẩn bị kế hoạch chiến lược tổng thể khi Yên Tử là di sản liên tỉnh được vinh danh là Di sản thế giới. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, TP Uông Bí cần hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh, xây dựng những dự án tổng hợp, liên ngành để tạo ra những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn có giá trị thương phẩm cao.

Hạt nhân trung tâm của các tour, tuyến, điểm du lịch tâm linh là Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử nhưng khu di tích này cũng chỉ là một trong 4 hợp phần quan trọng làm nên Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Do đó, việc hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh để phát huy hết tài nguyên của một khu di sản văn hóa thế giới trong tương lai gần là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

Nhiều bình gốm và bát đĩa cổ đang được Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử lưu giữ.

Thành phố Uông Bí đã áp dụng tốt mô hình hợp tác công - tư, kết nối liên ngành trong quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vừa tận dụng nguồn lực tài chính và quản lý từ các thành phần kinh tế, các cộng đồng dân cư tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích cho người dân. Nhằm phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững, tỉnh và thành phố đã ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng và biết đánh giá, khai thác giá trị tinh thần vô giá của Danh sơn Yên Tử. Hơn 10 năm qua, đã có gần 3.000 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

Trong quá trình đầu tư, khai thác kinh doanh dịch vụ cáp treo, đến giai đoạn 2016-2018, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã thuê kiến trúc sư thiết kế quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Nét đặc sắc nhất là đã chắt lọc được các yếu tố cơ bản của Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa nhà Trần, hình thành nên ngôn ngữ xuyên suốt từ kiến trúc, cảnh quan, nội thất, đến cách thức phục vụ, đưa quá khứ gần hơn với hiện tại, tái hiện nét văn hóa xưa trong quần thể hiện đại, cao cấp.

Hợp tác quốc tế cũng sẽ giúp tiếp cận được những quan điểm mới, những cách làm hay của các nước trong việc xử lý các vấn đề chung của thế giới về di sản văn hóa, đồng thời tranh thủ ý tưởng của UNESCO và các quốc gia tiến bộ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi Yên Tử là thành tố quan trọng để quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO xem xét công nhận là di sản thế giới, Uông Bí đã phối hợp tốt với các chuyên gia trong, ngoài nước đón đoàn chuyên gia ICOMOS về khảo sát thực địa tại Yên Tử. Về lâu dài, có thể phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều chương trình liên kết, trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản ở địa phương.

Phạm Học

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.vn - Đăng ngày 22/9/2024