Dân tộc Raglai có bề dày lịch sử, văn hóa với các tác phẩm sử thi, truyện cổ, các làn điệu dân ca, luật tục... đã được các nhà nghiên cứu văn hóa sưu tầm, biên soạn với độ dài lên tới hàng ngàn trang. Không những vậy, đồng bào còn có kho tàng lễ hội dân gian phong phú và độc đáo như: Lễ ăn mừng đầu lúa mới, các nghi lễ vòng đời, lễ cầu mưa, lễ xuống giống... Trong đó, một số lễ hội tiêu biểu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như lễ ăn mừng đầu lúa mới...
Đồng bào Raglai nướng cơm lam tại Ngày hội văn hóa Raglai huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Ngọc Ánh
Kho di sản quý giá của dân tộc
Người Raglai theo chế độ mẫu hệ. Con gái cưới chồng về nhà mình với quan niệm “chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Chàng rể, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhà vợ, nhưng quyền quyết định những công việc lớn vẫn thuộc về người vợ và ông cậu bên vợ. Con gái sinh ra mang họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời. Quyền thừa kế tài sản chỉ thuộc về con gái, đặc biệt là người con gái út.
Theo truyền thống, đồng bào Raglai thường cư trú thành từng plây (buôn làng) trên khu đất cao, nơi gần nguồn nước. Mỗi plây thường gồm vài chục nóc nhà, các thành viên trong plây đều cùng chung dòng họ. Xưa kia, đồng bào Raglai ở nhà sàn dài truyền thống. Mỗi ngôi nhà là nơi sinh sống quây quần của ít nhất 3-4 thế hệ dưới sự cai quản của chủ nhà, thường là người già, cao tuổi nhất trong gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự thay đổi về văn hóa, lối sống, các gia đình hạt nhân dần tách ra khỏi nhà sàn dài để hình thành những ngôi nhà sàn đơn sơ bốn mái như hiện nay.
Giữa rừng núi cao nguyên, những ngôi nhà sàn đơn sơ nhưng vững chãi như chính bản tính của người Raglai hiền hòa, chân chất gắn bó cuộc sống với thiên nhiên núi rừng. Và dưới những mái nhà sàn ấy, cộng đồng người Raglai vẫn giữ được nền văn hóa mang đậm bản sắc, niềm tự hào của dân tộc mình. Đó là hệ thống chữ viết của người Raglai, là những làn điệu dân ca, dân vũ, là những “bộ sưu tập” các nhạc cụ hết sức độc đáo như đàn đá, mã la (cồng chiêng), các loại đàn chế từ tre, nứa như sáo talakung, kèn môi, đàn môi, kèn gadet, đàn chapi, kèn bầu sarakel, kèn bầu kupoăt... Trong đó, đàn chapi đã được nhạc sĩ Trần Tiến đưa vào tác phẩm “Giấc mơ Chapi” nổi tiếng khắp đất nước...
Bảo tồn, phát huy vốn quý của cha ông
Mặc dù có một kho tàng lịch sử, văn hóa, nhạc cụ đồ sộ như vậy, nhưng theo dòng chảy thời gian, một số di sản văn hóa của đồng bào Raglai đang có nguy cơ mai một. Đặc biệt là vấn đề chữ viết, hát - kể chuyện sử thi, truyện cổ hay cách chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ... Ông Chamaléa Thơm, xã Phước Chiến (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) trăn trở: “Thế hệ trẻ người Raglai không còn thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình; thanh thiếu niên không biết chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Đáng lo hơn là hiện còn rất ít người Raglai biết đọc, viết chữ của dân tộc mình...”.
Trước thực trạng trên, những năm gần đây, các nhà quản lý văn hóa cùng chính quyền địa phương nơi có đông đồng bào Raglai sinh sống đã có những nỗ lực nhằm bảo tồn, phục hồi những di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Raglai. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, mở các lớp truyền dạy chữ viết truyền dạy sử thi, đánh mã la cho thanh thiếu niên tại các địa phương.
Điển hình như tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, nơi có trên 28.000 người Raglai sinh sống, chiếm 84% dân số toàn huyện, chính quyền và người dân đã chú trọng xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Raglay bằng các chính sách, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Theo đó, 100% số thôn có nhà văn hóa - thể thao, 38/38 thôn có đội mã la, văn nghệ dân gian. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở khu dân cư trên địa bàn huyện được thực hiện đúng quy định, phù hợp với tập quán, hoàn cảnh của từng gia đình, văn hóa truyền thống của địa phương. Các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán trong lễ cưới truyền thống; lễ bỏ mã, lễ cúng ăn mừng lúa mới, lễ cúng rẫy, những nghi lễ vòng đời, lễ báo hiếu... được đồng bào bảo tồn, gìn giữ. Bên cạnh đó, đồng bào Raglai có ý thức gìn giữ, phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ như múa giã gạo (giã bắp), múa lên rẫy, múa trỉa hạt... hệ thống truyện cổ, sử thi, câu đố, hát đối đáp cùng các loại nhạc cụ truyền thống như mã la, khèn bầu, sáo trúc, đàn chapi...
Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bác Ái cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Trong đó, có các nghệ nhân lưu giữ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như nghệ nhân Mai Thấm, nghệ nhân Pi Năng Thị Kính, cùng ở xã Phước Thắng; nghệ nhân Ka Tơ Thị Sính ở xã Phước Tân...
Mới đây (ngày 29/8), UBND huyện Bác Ái đã tổ chức Ngày hội văn hóa Raglai lần thứ 2 nhằm tôn vinh và giới thiệu những giá trị độc đáo trong đời sống văn hóa của người Raglai Ninh Thuận tới bạn bè trong và ngoài nước. Tham dự ngày hội lần này có hàng ngàn người dân địa phương, du khách và các diễn viên, nghệ nhân dân tộc Raglai đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Ngày hội văn hóa Raglai diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: Hội thi ẩm thực truyền thống Raglai; Hội thi chế tác đàn, trưng bày, giao lưu đánh đàn chapi; Hội thi giã gạo; Hội chợ hàng Việt về miền núi, đêm hội Raglai... thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách đến cổ vũ. Sôi nổi nhất là phần thi ẩm thực truyền thống Raglai, đây là dịp để đồng bào Raglai giới thiệu đến du khách những món ăn đặc sản miền sơn cước như: Gà đồi, cá suối nướng, thịt heo đen luộc, canh lá bép, cơm lam, bông đu đủ nộm...
Bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, Ngày hội văn hóa Raglai là nơi hội tụ, tôn vinh và những giá trị độc đáo trong đời sống văn hóa của người Raglai tới bạn bè trong và ngoài nước, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Ngọc Ánh