Ông Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bộ Môi trường-Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Liên bang Đức (BMU) thông qua Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức tại Việt Nam (GTZ) sẽ tài trợ 1,6 triệu euro cho dự án Quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ven biển tỉnh Bạc Liêu.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trong 33 tháng tại 3 huyện Hòa Bình, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, hướng tới cải thiện chức năng sinh thái của rừng ven biển và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng.
Nhiều giải pháp sẽ được thực hiện như khôi phục hệ thống rừng ven biển và đa dạng sinh học, bảo tồn sân chim Bạc Liêu, xây dựng những chương trình giúp dân cư ven biển có thu nhập cao hơn, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Việc bảo tồn sân chim Bạc Liêu, quen gọi là vườn chim Bạc Liêu, qua dự án này quả là tin vui với nhiều người. Đây là vườn chim còn đậm nét thiên nhiên hoang dã, cách thị xã Bạc Liêu 6km về hướng biển, thuộc địa phận xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu.
Theo tư liệu của khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm, lúc đó là thảm rừng ngập mặn ven biển rất phong phú và đa dạng, với hệ sinh thái ngập mặn tự nhiên. Vườn Chim là một phần thảm rừng còn sót lại ven Biển Đông do sự bồi tụ tự nhiên nên ngày càng xa biển hơn. Vào năm 1962, Vườn Chim được một hộ dân quản lý chăm sóc bảo vệ và khai thác chim non. Sau đó, chính quyền địa phương sớm nhận thức Vườn chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên đã có sự đầu tư từng bước.
Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385ha, trong đó có 19ha rừng nguyên sinh. Vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, trong đó có một loài chim được ghi vào sách Đỏ như Giang Sen, Cốc Đế nhỏ... Nhiều loài động vật cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học rất cần được bảo tồn và phát triển.
Là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng Cửu Long, Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi tác động của sự thay đổi khí hậu. Tình trạng mực nước biển dâng cao và bão với cường độ ngày càng lớn đe doạ cộng đồng dân cư nghèo ở khu vực nông thôn, đe doạ những nguồn sống chủ yếu của cư dân trong vùng là sản xuất lúa gạo và nuôi thuỷ sản.
Trong hơn 20 năm qua, nhiều diện tích đất rộng lớn nằm phía sau dãy rừng phòng hộ đã bị chuyển đổi thành các đầm nuôi tôm. Đất đai bị chuyển nhượng hoặc cho các nhà đầu tư thuê, cư dân địa phương dần dần co cụm vào sống trong vùng nội địa. Điều này ngày càng đe dọa tới chức năng phòng hộ rừng ven biển.