Hội An: Bảo tồn di sản trước bão lũ

Cập nhật: 12/11/2009
Một tháng, sau cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Hội An nhằm nhìn nhận lại hành trình “Hội An - 10 năm di sản thế giới” thì cơn bão số 9 đổ bộ vào, cho thấy di sản văn hóa thế giới này đang đứng trước nhiều thách thức phát triển bền vững. Ngoài công cuộc đại trùng tu gần 1.400 di tích danh thắng trên toàn thành phố, cần có những giải pháp cấp bách mang tính lâu dài trong đó chống xói lở, bão lụt, v.v…, phải được quan tâm ngay từ bây giờ.

Hội An sẽ xây dựng thành phố sinh thái đầu tiên của cả nước với những điều kiện hết sức thuận lợi làm tiền đề. Quy mô thành phố thuộc loại trung bình và chưa trải qua thời kỳ công nghiệp hiện đại nên không làm biến đổi môi trường quá nhiều.

Xét về yếu tố địa lý, phố cổ Hội An là thị cảng độc đáo thời trung đại, với đặc điểm là một kiến trúc phức hợp, một dạng di sản thiên tạo và nhân tạo. Không gian thành phố cửa sông ven biển khá thoáng, diện tích vùng nông thôn còn lớn.

Địa hình địa mạo Hội An rất đặc biệt. Có dải cát dài Cẩm An, Cửa Đại; sông Đế Võng, hệ thống cồn bàu xen kẽ nhau như Bàu Tràm, Bàu Súng, Bàu Rêu, Bàu Sấu, Bàu Ốc…

Hệ thống thủy vực gồm các nhánh sông Đế Võng, sông Đò, sông Hoài, sông Thu Bồn, cùng hệ thống mương, lạch, đầm, hồ dày đặc chiếm 21% diện tích đất liền.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có gần 5.200ha mặt nước, trong đó có 165ha rạn san hô và 500ha thảm cỏ biển, có nhiều loài động thực vật quí hiếm, đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Nhưng thách thức mà Hội An đang đối mặt không nhỏ. Đó là như sự tàn phá kinh hoàng của bão lũ, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, vấn đề qui hoạch không gian…

Trong khi  dân tất bật chống bão số 9 vừa qua, hàng trăm cán bộ, lực lượng tăng cường của TP. Hội An, Trung tâm Quản lý & Bảo tồn Di tích TP. Hội An tập trung vật liệu, tỏa đi để chằng chống, gia cố khẩn cấp 15 di tích, nhà cổ có nguy cơ sập đổ.

Một cuộc họp khẩn cấp giữa chính quyền thành phố với những doanh nghiệp du lịch trên địa bàn và lệnh di dời khẩn cấp được ban bố tức thì.

Trong bão dữ, một trong những vấn đề đáng lo ngại của các khách sạn ở gần biển là đảm bảo an toàn cho du khách trong suốt đợt mưa lũ. Nước lũ dâng cao ngay sau bão lớn. 500 du khách từ các khách sạn ven biển được đưa đến nơi an toàn.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Giám đốc Hội An Beach Resort - cho biết: “Trước bão, chúng tôi đã di dời an toàn 40 phòng với gần 80 khách lên khách sạn ở nơi an toàn”.

Ban chỉ đạo thành phố đã đưa ra phương án phòng chống lũ ở những vùng tập trung nhiều di tích, nhà cổ cũng như những nơi được xem là nguy hiểm cho du khách.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, ngành du lịch Hội An lại hồi phục nhanh sau thiên tai. Tình người, những sẻ chia trong bão lũ giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các khách sạn với du khách đã tạo nên một sức mạnh quan trọng.

Ngay trong buổi sáng nước vừa rút, một đoàn khách sinh viên của một trường đại học ở New Zealand lưu trú tại khách sạn Hội An do bị mắc bão đã ùa ra khắp đường phố Hội An để cùng dọn dẹp vệ sinh với người Hội An.

Nhìn vào các thách thức trên con đường xây dựng Hội An phát triển bền vững, trở thành đô thị sinh thái vào năm 2030, dường như có sự gặp nhau thú vị trong suy nghĩ của các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Theo đó, các tác động của biến đổi khí hậu đối với Hội An nếu được nghiên cứu sớm sẽ tìm ra giải pháp hữu ích hạn chế tối đa tình trạng thiên tai và nạn ngập lụt hàng năm đe doạ các giá trị văn hoá vật thể…

“Giải quyết những vấn đề này không phải là giải quyết các hậu quả mà cần phải đặt ra ngay từ đầu cho bất kỳ mọi dự án phát triển nào!” - tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, nhấn mạnh.

Các nhà khoa học khuyến cáo, hệ sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh hiện còn gần 30ha (trước đây hơn 90ha) đang dần phục hồi. Hệ sinh thái nhiệt đới điển hình này có tầm quan trọng trong vai trò điều hòa khí hậu, chống xói lở, không thể không tính đến trong những nghiên cứu bảo tồn lâu dài thành phố này.

Từ những nghiên cứu của giới chuyên gia, chính quyền địa phương đã bắt tay vào công cuộc đại trùng tu di tích danh thắng. Vấn đề là cần phải mở rộng tầm “gìn giữ bảo tồn” rộng hơn, dài hơi hơn.

Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, chính quyền còn nhiều việc phải làm trước những áp lực của biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế, nhất là du lịch…

Nguồn: vfej.vn