Trong chiến lược phát triển, kinh tế biển được Quảng Ninh xác định là động lực tăng trưởng, bởi ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác trong khu vực. Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ra đời đã khẳng định sự kiên định và quyết tâm của tỉnh trong thực hiện mục tiêu trở thành địa phương mạnh từ biển, giàu từ biển. Sau 5 năm triển khai nghị quyết, kinh tế biển của tỉnh phát triển đúng hướng, từng bước được định hình rõ nét.
Tàu du lịch quốc tế đưa khách đến Hạ Long qua Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Ảnh: Đỗ Phương
Kinh tế biển được xác định là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2030. Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế nổi trội, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí vận tải và dịch vụ logistics... Năm 2019, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết riêng về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển (Nghị quyết số 15-NQ/TU) với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch.
Ngay sau khi Nghị quyết 15 ra đời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đề ra các nhiệm vụ cụ thể và phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo lộ trình Nghị quyết 15 đề ra.
Bằng tinh thần quyết tâm, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, đến nay sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, định hướng chiến lược về phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển toàn diện, đúng hướng, từng bước được định hình rõ nét và đạt được những kết quả tích cực.
Theo kết quả rà soát của UBND tỉnh, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu được đánh giá đạt so với kế hoạch đề ra. Rõ nét nhất là tổng doanh thu dịch vụ cảng biển trong giai đoạn 2019-2023 đạt trên 14.840 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển đạt khoảng 0,49% trong GRDP của tỉnh, tăng 0,07% so với năm 2018. Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 64,75 triệu lượt. Bình quân mỗi năm đạt 12,95 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch biển đảo đạt 43,3 triệu lượt, bằng 184% so với kế hoạch, vượt mục tiêu đến 2025 của Nghị quyết. Nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao và các loại hình du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng, có giá trị gia tăng cao về du lịch biển đảo gắn với việc phát huy giá trị di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác.
Quy mô ngành kinh tế hàng hải ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng 5 năm (2019-2023) đạt 627,7 triệu tấn; bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm, vượt mục tiêu đến năm 2025. Ngành thủy sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến. Công nghiệp ven biển của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo được nâng lên.
Khách du lịch đến Khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn dịp mùa hè 2024.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế biển không ngừng được hoàn thiện. Từ năm 2019 đến nay, thông qua mở rộng cơ chế thông thoáng và tạo điều kiện tối đa để thu hút các nhà đầu tư cho hạ tầng cảng biển, Quảng Ninh đã thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách cho các dự án hạ tầng, dịch vụ cảng biển, như Bến cảng cao cấp Ao Tiên, Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Bến Cảng tổng hợp Vạn Ninh. Quảng Ninh cũng đã hình thành và đưa vào quy hoạch các khu chức năng, khu dịch vụ nhà hàng, trung tâm mua sắm hiện đại tại các cảng khách quốc tế như Tuần Châu, cảng Hòn Gai, Sân bay quốc tế Vân Đồn. Hiện, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 6 dự án đầu tư phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, khu vực hậu cần sau cảng và logistics tại các khu kinh tế ven biển Quảng Yên với diện tích 6.956 ha vượt hơn so với nghị quyết…
Dù đạt được kết quả tích cực nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đặc biệt, trong mảng logistics, cảng biển, khai thác hải sản và phát triển du lịch biển đảo. Tỷ trọng đóng góp của các ngành kinh tế biển trong thu ngân sách và quy mô nền kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với vị trí địa lý của một địa phương có 250 km chiều dài bờ biển, 9/13 đơn vị cấp huyện ở ven biển. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế thế giới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 15. Ngoài ra, những quy định hành lang, pháp lý về hàng hải, cảng biển chưa đầy đủ; thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển. Việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng hải cần nguồn vốn lớn trong khi các cơ chế, chính sách của tỉnh chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư trong các ngành kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển, dịch vụ cảng biển và logistics…
Để tiếp tục đánh thức tiềm năng, thế mạnh của biển, hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung rà soát, hiện thực hóa các quy hoạch và có định hướng dài hơi cho phát triển. Trong đó, chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng biển; đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để làm cơ sở thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho lĩnh vực này; nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển. Cùng với đó, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thuộc lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển; cơ chế, chính sách thu hút lao động trong và ngoài tỉnh vào làm việc tại lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng nhằm từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế… Điều này, sẽ góp phần quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.
Thu Chung