Du lịch sông nước là một trong hai sản phẩm du lịch chính mà Cần Thơ đang xây dựng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng “đô thị miền sông nước”. Với đường sông dài gần 1.157km, Cần Thơ đang tận dụng điều kiện tự nhiên để xây dựng, phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch đặc trưng này.
Đoàn khảo sát du lịch đường sông tại nhà hàng bè nổi Talison Cồn Sơn. Ảnh: Kiều Mai
Nhiều tuyến điểm mới được khai thác
Trước đây, du lịch đường sông ở Cần Thơ thường có vài tuyến điểm quen thuộc: Bến Ninh Kiều đi chợ nổi Cái Răng, hoặc các tuyến khám phá rạch nhỏ. Tuy nhiên trong khoảng vài năm trở lại đây, Cần Thơ đã có những tuyến điểm mới, đa dạng hơn. Nổi bật là các tuyến đường sông đậm chất bản địa đang được Victoria Resort Cần Thơ, đội tàu Victoria Cruises, đội du thuyền Victoria Mekong Cruises khai thác. Theo đó, ngoài tuyến đường sông khám phá chợ nổi Cái Răng, làng nghề quen thuộc, còn có liên tuyến đường sông Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL, liên tuyến quốc tế.
“Khám phá vùng Mekong” và “Ấn tượng Mekong” là hai sản phẩm đường sông đang được vận hành với những nét đặc trưng riêng. Trong đó, “Khám phá vùng Mekong” đưa du khách trải nghiệm đường sông với tàu Mekong Princess theo lộ trình Cần Thơ - Vĩnh Long, khám phá nét đẹp văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa và Khmer. Còn “Ấn tượng Mekong” là hành trình trải nghiệm đường sông với tàu Cái Bè Princess của đội tàu Victoria Cruises đi Vĩnh Long - Cái Bè (Tiền Giang) khám phá văn hóa sông nước miệt vườn cù lao và các làng nghề truyền thống. Bà Võ Xuân Thư, Tổng Giám đốc Victoria Resort Cần Thơ, cho biết: “Vùng Mekong rộng lớn với nhiều giá trị thú vị và câu chuyện cộng cư vô cùng đặc sắc của người dân địa phương để du khách khám phá. Qua các hành trình, du khách sẽ hiểu hơn và yêu mến vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam. Chúng tôi mang đến những trải nghiệm đúng chất văn hóa bản địa ở mỗi vùng đất trên hành trình”. Ðánh giá về các sản phẩm đường sông này, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, nhìn nhận: “Ở góc độ lữ hành, các hành trình đường sông này đáp ứng nhu cầu đa dạng của các dòng khách và thị trường. Sản phẩm rất đa dạng và linh hoạt, trong đó có những trải nghiệm sâu và gần gũi văn hóa bản địa. Ðây là những dòng sản phẩm đường sông có thể khai thác đa chiều. Trong đó, chúng tôi đang có những định hướng khai thác, kết nối với dòng khách đến từ Trung Ðông”.
Thực tế, các tuyến du thuyền của Victoria Mekong Cruises rất được ưa chuộng, đặc biệt là các tuyến quốc tế, như tuyến Cần Thơ - Phnom Penh (Campuchia). Nhu cầu hiện nay của du khách với tuyến quốc tế ngày càng tăng và Victoria Mekong Cruises đã ra mắt thêm sản phẩm 8 ngày 7 đêm với các hành trình: Cần Thơ - Siem Riep (Campuchia), TP Hồ Chí Minh - Siem Riep. Ðây là các hành trình khám phá văn hóa sông nước dọc sông Mekong và vùng ÐBSCL. Hiện các tour này được đặt lịch gần như đầy cho năm 2025 và 2026. Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Spotlight Travel, cho biết: “Với các dòng sản phẩm đường sông của Victoria Mekong Cruises, trước đây chúng tôi đã có kết nối và đưa khách hiệu quả với hành trình 4 ngày 3 đêm. Hiện các sản phẩm được làm mới, mở rộng 8 ngày 7 đêm, đồng thời có thêm những chặng đi và về linh hoạt và đa dạng, tôi đánh giá đây là những sản phẩm thú vị và tiềm năng để khai thác nhiều phân nhóm khách hàng khác nhau”.
Thực tế, các tuyến du lịch đường sông tại Cần Thơ đã được khai thác đa dạng hơn, không chỉ ghe tàu mà còn có du thuyền, ca nô. Cụ thể, như các sản phẩm đường sông từ ca nô của Công ty TNHH Du lịch thám hiểm và sự kiện đồng bằng Mekong. Hiện đơn vị này có khoảng 40 sản phẩm liên tuyến từ Cần Thơ đến các tỉnh ÐBSCL, trong đó nổi bật có các hành trình khám phá các cửa sông và các cù lao.
Khắc phục trở ngại, phát huy lợi thế
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, giai đoạn đến năm 2030, xác định thế mạnh của Cần Thơ là sông nước đô thị, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong”… Theo đó, ngành Du lịch Cần Thơ cũng tổ chức nhiều chuyến khảo sát, định hướng xây dựng các tuyến sản phẩm đường sông đặc trưng.
Cuối tháng 9 vừa qua, Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố, nhằm đánh giá và xây dựng tuyến du lịch đường sông phù hợp. Ðoàn đã khảo sát liên tuyến đường sông từ các quận: Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy với đa dạng điểm đến trên các nhánh sông, rạch nhỏ theo lộ trình chợ nổi Cái Răng, Kara Homestay & Café, điểm làm đồ chơi dân gian Út Truyền, vườn nho Nhất Tâm Farm, nhà hàng bè nổi Talison Cồn Sơn… Bà Lê Thị Hồng Nhi, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Khám phá miền Tây, cho biết: “Qua khảo sát các tuyến điểm, tôi nhận thấy có các điểm đến để khai thác, như hành trình chợ nổi Cái Răng, Kara Homestay & Café và điểm làm đồ chơi dân gian Út Truyền. Hành trình này có đa dạng trải nghiệm tìm hiểu văn hóa sông nước, làng nghề và lưu trú, đồng thời lộ tuyến khá phù hợp khi có thể kết hợp đường sông, đường bộ đều được”. Trong khi đó, ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Sự kiện IDO Cần Thơ, cho rằng: “Ở góc độ lữ hành, tôi cho rằng các sản phẩm du lịch đường sông là lợi thế của Cần Thơ và nhiều năm qua những sản phẩm này cũng phát huy tốt với các hành trình khám phá chợ nổi, kênh rạch. Trong lần khảo sát này, tôi thấy rằng tiềm năng về du lịch đường sông còn rất nhiều. Cái hay của hành trình này là được len lỏi vào các rạch nhỏ, thấy được cuộc sống của người dân miền sông nước. Tuyến điểm này cũng đa dạng các trải nghiệm nông trại, làng nghề, chùa đình… Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế về hạ tầng. Ở thời điểm con nước cao, cầu quá thấp thì tàu khó qua, dễ bị mắc kẹt khiến du khách cảm thấy không thoải mái. Do đó, tôi cũng đề xuất nên có những đầu tư về hạ tầng, hoặc cân nhắc các phương tiện tàu ghe nhỏ hơn cho phù hợp lộ trình”.
Tiềm năng du lịch đường sông của Cần Thơ được đánh giá là rất lớn, khi có hệ thống kênh rạch chằng chịt, trong đó nổi bật có các điểm đến di sản, di tích dọc theo cung đường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông, bến bãi… Bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Du lịch đường sông là một trong những sản phẩm được chú trọng đầu tư trong thời gian tới của Cần Thơ. Sắp tới, Cần Thơ sẽ phối hợp với TP Hồ Chí Minh khảo sát tuyến du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL, đánh giá thực trạng, định hướng xây dựng tuyến đặc trưng”.
Phát huy thế mạnh sông nước đang được ngành Du lịch thành phố quan tâm và đầu tư. Các sản phẩm sông nước ở đây được chú trọng xây dựng theo hướng trải nghiệm nét sinh hoạt của bà con thương hồ trên chợ nổi, cuộc sống của người dân gắn với ruộng vườn trên các cù lao và vùng đất ven sông… Do đó, các sản phẩm sẽ được khai thác dựa trên lợi thế dọc theo sông Hậu, sông Cần Thơ và hệ thống cồn, cù lao. Trong đó, chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng), cồn Sơn (quận Bình Thủy), cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt) đều có những dự án, đề án đầu tư riêng. Ngoài ra, Cần Thơ cũng định hướng xây dựng 3 tuyến buýt đường thủy trên sông Hậu và sông Cần Thơ: Ninh Kiều - Thốt Nốt, Ninh Kiều - Phong Ðiền và Ninh Kiều - Cái Răng.
Thực tế, để phát triển du lịch đường sông cần có quy hoạch tổng thể, trong đó quy hoạch giao thông kết nối liên vùng, chú trọng quy hoạch sản phẩm. Ðồng thời, cần nâng cấp hạ tầng giao thông đường thủy, xây dựng bến tàu, cầu cảng và phát triển dịch vụ hỗ trợ; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt của mỗi dòng sông. Cần có sự liên kết giữa các địa phương trong định hướng phát triển sản phẩm đường sông, xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên ven sông; quan tâm đến các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường… Cần Thơ hiện đã xây dựng đề án về du lịch đường sông, đồng thời đang phối hợp với TP Hồ Chí Minh để xây dựng tuyến du lịch đường sông đặc trưng.
Ái Lam