Vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều điểm du lịch cộng đồng tại Điện Biên đi vào hoạt động. Đây là hướng đi mới mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Du khách check-in tại bản du lịch cộng đồng Tìa Ló, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Ngọc Quý
Nếu như trước năm 2021, tỉnh Điện Biên chưa có điểm du lịch cộng đồng thì đến nay, toàn tỉnh đã có 12 bản văn hóa du lịch cộng đồng, 6 homestay và 12 điểm tham quan, vui chơi giải trí thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
Những điểm đến, như: bản Phiêng Lơi, bản Che Căn (TP Điện Biên Phủ), bản Mển (huyện Điện Biên), bản Nà Sự (huyện Nậm Pồ)… đã trở nên quen thuộc với những ai yêu thích khám phá văn hóa bản địa.
Huyện Mường Ảng dự kiến sẽ tổ chức Lễ hội hoa ban tại bản Nặm Cứm vào tháng 3/2025. Ảnh: Ngọc Quang
Điều đó cho thấy du lịch cộng đồng tại Điện Biên đang chứng tỏ sức hút khi ngày càng có nhiều cộng đồng tham gia. Đặc biệt, thời gian gần đây, xu hướng làm du lịch cộng đồng đã lan tỏa lên các bản làng người Mông ở vùng cao như: bản Tìa Ló (huyện Điện Biên Đông), bản Lồng (huyện Tuần Giáo), bản Nặm Cứm (huyện Mường Ảng)…
Với lợi thế sở hữu hơn 1.200 cây ban trải dài khắp bản và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, Mường Ảng đã chọn bản Nặm Cứm, xã Ngối Cáy làm điểm đến du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện.
Đoàn viên thanh niên tham gia xây dựng bản du lịch cộng đồng Nặm Cứm. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Để triển khai bản du lịch cộng đồng Nặm Cứm gắn với bảo tồn cây hoa ban, huyện Mường Ảng đã huy động các cơ quan, đoàn thể giúp đỡ các hộ gia đình cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất như: nhà vệ sinh công cộng, khuôn viên nhà ở, tạo cảnh quan vườn hoa, cây cảnh...
Cách trung tâm TP Điện Biên Phủ khoảng 40km, bản Tìa Ló, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông, nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, sở hữu khí hậu quanh năm mát mẻ. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và sự thân thiện của đồng bào dân tộc H’Mông, nơi đây cũng đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Bản du lịch cộng đồng Nà Sự, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Thanh Bình
Nhận thức được tiềm năng du lịch, nhiều hộ gia đình tại bản Tìa Ló đã chủ động xây dựng các homestay, biến ngôi nhà truyền thống thành những điểm ăn nghỉ, sẵn sàng chào đón du khách.
Là một trong những hộ dân đi đầu trong phong trào này, anh Hờ A Sếnh cho biết: “Tôi hy vọng mô hình du lịch cộng đồng sẽ giúp người dân bản Tìa Ló cải thiện đời sống. Tuy nhiên việc thiếu nguốn vốn đầu tư đang là một rào cản lớn”.
Trao đổi với Lao Động, ông Cứ A Chá - Chủ tịch UBND xã Noong U - cho biết: “Hiện nay, bản Tìa Ló có 27 hộ gia đình đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng, trong đó 22 hộ đã bắt tay vào thực hiện. Các hộ dân đang tích cực hoàn thiện các hạng mục để đón du khách”.
Theo ông Chá, quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại bản Tìa Ló gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thiếu kinh phí để các hộ dân đầu tư xây dựng phòng nghỉ, địa điểm check-in…
Quang Đạt