UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định về việc chấm dứt hiệu lực đối với Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh.
Chấm dứt Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch
Theo đó, ngày 18/10, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Quyết định về việc chấm dứt hiệu lực đối với Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Lý do được đưa ra cho việc chấm dứt quy định trên là bởi ngày 18/7/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.
Tại Nghị định vừa được ban hành, đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Chính vì thế, bộ quy định tạm thời do tỉnh Lâm Đồng ban hành trước đó đã không còn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và các quy định liên quan.
Quy định tạm thời về việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chính thức không còn hiệu lực
Trước đó, ngày 22/3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định này, hạn mức cho thuê môi trường rừng tối thiểu là 10ha, tối đa là 100ha với thời gian cho thuê tối đa 30 năm. Tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che để phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tùy thuộc vào diện tích đất trống và diện tích được thuê môi trường rừng.
Cụ thể, diện tích từ 10-30 ha, tỷ lệ công trình mái che không quá 3% tổng diện tích thuê, diện tích thuê từ 30-60 ha tỷ lệ công trình không quá 2,5%; diện tích thuê từ 60 ha trở lên thì tỷ lệ công trình không quá 2%.
Bên cạnh đó, quy định còn đề ra một số nguyên tắc cho thuê khác như: Phải vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng vừa bảo vệ và phát huy hiệu quả môi trường rừng; Phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt;
Tổ chức, cá nhân thuê phải đảm bảo năng lực về tài chính, quản trị, nhân lực để thực hiện dự án và phải chịu sự kiểm tra, giám sát về hoạt động kinh doanh, trật tự xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; Trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị thuê môi trường rừng tại một địa điểm/diện tích thì tổ chức đấu giá cho thuê môi trường rừng…
Thành Khiêm