Ngành du lịch Quảng Ngãi vẫn còn khó phát triển khi hạ tầng, điểm đến, sản phẩm du lịch,... chưa được đầu tư một cách đồng bộ.
Theo số liệu thống kê quý III/2024, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ngãi đạt 363.400 lượt, doanh thu ước đạt 344 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng lượt khách đến tham quan, lưu trú tại địa phương này ước đạt 1.164.400 lượt khách, đạt 90% so với kế hoạch 2024. Doanh thu đạt 1.065 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 116% so với kế hoạch năm 2024.
Dù vậy, công tác phát triển du lịch tại địa phương này vẫn chưa đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Nguyên nhân là các khó khăn về hạ tầng điểm đến, nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch,... chưa được đầu tư một cách bài bản, quy mô.
Phần lớn du lịch Quảng Ngãi đều tập trung về Lý Sơn.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cấp phát triển dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Số lượng cơ sở lưu trú tăng đều qua các năm nhưng chủ yếu là loại hình nhà nghỉ và phòng cho khách du lịch thuê (Homestay).
Tính đến nay, Quảng Ngãi đang có 390 cơ sở lưu trú, với khoảng 4.950 buồng, trong đó có 4 khách sạn 4 sao và tương đương, 8 khách sạn 3 sao và tương đương và 2 khách sạn 2 sao và tương đương, 63 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch với khoảng 2.300 buồng. Số lượng phòng trên cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, chuyên gia, kỹ sư, khách công vụ đến tham quan và làm việc tại Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hầu hết đều có quy mô nhỏ, các khách sạn được xếp hạng sao chiếm tỷ lệ rất thấp, số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu tập trung ở thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và các huyện Lý Sơn, Bình Sơn. Trong đó, huyện Lý Sơn là địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh, hiện có khoảng hơn 100 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 buồng nhưng chỉ có 1 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn tương đương 3 sao và 24 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch. Theo số liệu thống kê, vào mùa cao điểm du lịch, các dịp lễ, tết công suất buồng đạt khoảng 60%.
Thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh chưa có khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, đạt tiêu chuẩn 5 sao để phục vụ khách quốc tế và du khách có khả năng chi tiêu cao, đặc biệt thiếu khách sạn hạng 4 - 5 sao. Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiếu chuyên nghiệp trong thiết kế, bài trí, trang thiết bị thiếu đồng bộ, đơn điệu và xuống cấp, thiếu các dịch vụ bổ trợ như nhà hàng, quầy bar, bể bơi… nên chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Nhiều sản phẩm du lịch mạo hiểm, hấp dẫn cũng được doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm.
Đồng thời, những năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, đa số đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú gặp khó khăn sau thời gian dài đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn lực tài chính hạn chế, gây trở ngại cho việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và đa dạng hóa dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Song song với đó là việc thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư các dự án du lịch tại tỉnh chưa nhiều, một số nhà đầu tư đã đề xuất dự án đầu tư nhưng phải tạm dừng vì không thể tiếp cận đất đai.
Một số dự án triển khai chậm, cầm chừng do năng lực tài chính hạn chế, không phù hợp với quy hoạch… dẫn đến hạ tầng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện, hoạt động có quy mô lớn và mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi chưa có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với lĩnh vực này.
Tại văn bản trả lời họp báo mới đây do ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi thông tin năm 2022 đến nay địa phương đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án du lịch có quy mô lớn, dự án khách sạn 5 sao, chuỗi nhà hàng tiệc cưới tổ chức sự kiện,... đang được các sở, ngành, địa phương liên quan thẩm định, tham gia góp ý để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với các dự án du lịch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, và đang triển khai thực hiện, Quảng Ngãi đang hỗ trợ các nhà đầu tư để triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan, nhất là việc hướng dẫn tiếp cận đất đai, thông tin đến nhà đầu tư về các quy hoạch có liên quan, hướng dẫn ký quỹ đảm bảo dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư để có cơ sở thực hiện các bước thủ tục đất đai, gia hạn sử dụng đất,...
“Đối với các dự án chậm tiến độ, không còn phù hợp với quy hoạch có liên quan và không thể tiếp cận đất đai, tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với các nhà đầu tư, tiến đến nhà đầu tư tự nguyện chấm dứt hoạt động dự án”, thông tin từ văn bản trả lời do ông Nguyễn Tiến Dũng ký.
Về hoạt động trong những tháng cuối năm và năm 2025, ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Sở VHTTDL lựa chọn, định hình các giá trị đặc trưng, đặc sắc trong từng lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, xác lập thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, mỗi lĩnh vực định hình một hoạt động, sự kiện đặc trưng, tổ chức định kỳ với quy mô lớn, đủ sức lan toả để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.
Giao nhiệm vụ cụ thể, ông Tuấn yêu cầu việc tổ chức các hoạt động, sự kiện phải hết sức chu đáo, đúng tầm vóc sự kiện và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, Sở VHTTDL cần đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trọng tâm là số hóa các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, tài nguyên du lịch; chuyển đổi số trong hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch,...
“Cần nghiên cứu đổi mới công tác tổ chức sự kiện Tuần lễ Du lịch; lựa chọn các giá trị đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh như di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh… để tổ chức thành chuổi các sự kiện và có điểm nhấn đặc sắc, khác biệt, nâng tầm quy mô sự kiện, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với người dân, du khách; qua đó xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Ngãi để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh”, ông Tuấn đề nghị.
Cùng với đó, ông Trần Hoàng Tuấn cũng giao nhiệm vụ triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền có hiệu quả. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng cần hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Về giải pháp, ông Tuấn đề cập đến phương án hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ trong khu, điểm du lịch đã được công nhận và có khả năng được công nhận, nhằm tăng sức hấp dẫn cho du khách để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Song song, lựa chọn đầu tư củng cố, thiết lập cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, bến, bãi, xử lý môi trường,… tích cực hỗ trợ các khu, điểm du lịch cải thiện chất lượng phục vụ, hoạt động hiệu quả hơn.
Tuấn Vỹ