Mở cửa “thiên đường du lịch” Kbang - Gia Lai

Cập nhật: 24/10/2024
Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) là vùng đất giàu tiềm năng du lịch đang chờ đợi sự khai thác và phát triển. Nhận biết được tiềm năng du lịch của địa phương, những năm gần đây, chính quyền và người dân huyện Kbang đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng, tôn tạo cảnh quan và quảng bá du lịch.

Trong một lần xuống thăm huyện Kbang, tôi tình cờ gặp nhóm cựu học sinh về dự hội khóa sau 20 năm ra trường. Qua câu chuyện, các bạn trăn trở: Trong mắt nhiều du khách, Kbang như một “thiên đường du lịch” nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, góp phần đưa huyện nhà phát triển?

mo-cua-thien-duong-du-lich-kbang-ky-1-4068.jpg

Hướng dẫn viên tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) giới thiệu cách làm nhà sàn của người Bahnar. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhìn trên bản đồ thì Kbang nằm ở cực Bắc của tỉnh, tiếp giáp với 3 tỉnh: Kon Tum, Bình Định và Quảng Ngãi. Nếu tính từ trung tâm TP. Pleiku đi xuống thị trấn huyện thì cự ly dài hơn 100 km. Đã vậy, Kbang còn có diện tích rộng nhất tỉnh với 1.845 km2. Với con số này, huyện Kbang còn rộng hơn tỉnh Bắc Ninh (823,1 km2) và tỉnh Thái Bình (1.542 km2). Địa hình cao nguyên xen lẫn bình nguyên với nhiều hồ đập, sông suối, ghềnh thác…

Đây là vùng thượng nguồn của sông Ba (dài 388 km) chảy ra Biển Đông ở cửa Đà Diễn, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; hồ Ka Nak, hồ Sơn Lang, trong vùng có nhiều ngọn thác đẹp, hùng vĩ như thác K50 (Hang Én), thác Kon Lốc, thác Kon Bông (Ba tầng), thác Hang Dơi… là những điểm đến được nhiều du khách yêu thích trên bản đồ du lịch Gia Lai.

Vài ba chục năm trở về trước, Kbang là nơi mà những ai đến đều tỏ sự ngần ngại bởi không chỉ đường xa, trắc trở mà còn vì cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Thế nhưng hiện nay, đến Kbang chúng ta có rất nhiều đường giao thông: đi từ Đak Pơ vào theo đường Trường Sơn Đông rồi nối qua địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi; đi từ ngã ba Đồng Găng, từ Nhà máy Đường An Khê vào hoặc từ đèo An Khê qua tỉnh lộ 669. Đất rộng, đường xa nhưng Kbang có đủ mọi điều kiện để phát triển nông-lâm nghiệp, đặc biệt là ngành du lịch.

Về di tích lịch sử - văn hóa, Kbang không thua kém những nơi khác về số lượng lẫn chất lượng. Vườn Mít - Cánh đồng Cô Hầu thuộc quần thể Tây Sơn Thượng đạo nằm trên địa bàn xã Nghĩa An, cách trung tâm huyện khoảng 14 km. Ya Đố là người phụ nữ Bahnar có công lớn giúp 3 anh em nhà Tây Sơn trong bước đầu dựng nghiệp. Vườn Mít - Cánh đồng Cô Hầu đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991 (cùng với các cụm di tích khác trong quần thể Tây Sơn Thượng đạo ở An Khê, Kông Chro, Đak Pơ).

Sau di tích này, huyện còn Làng kháng chiến Stơr, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Làng Stơr (xã Tơ Tung) là địa danh gắn liền với Anh hùng Núp. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích vào năm 1993 và được tỉnh đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Núp.

Đối với Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, nơi đây các cơ quan đầu não của tỉnh đã đứng chân trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ (1955-1975) được tỉnh xây dựng, tôn tạo và khánh thành vào năm 2018. Ngay tại trung tâm thị trấn huyện là Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak cũng là một địa chỉ lịch sử luôn được các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu.

Có một tiềm năng về du lịch nữa mà cho đến nay ngành “công nghiệp không khói” luôn quan tâm, đó là nền văn hóa bản địa và cộng đồng dân cư đa dạng. Có dịp đến Kbang, du khách không chỉ được thưởng thức hương vị ẩm thực dân dã đặc trưng của người Tây Nguyên như: gà nướng, cơm lam, rượu cần… mà còn được đắm mình vào vũ điệu hoang sơ của đại ngàn trong nhịp cồng chiêng ngân bên ánh lửa bập bùng cháy trong đêm.

Chưa hết, Kbang hiện có đến 21 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó nhiều dân tộc từ phía Bắc di cư vào như: Tày, Nùng, Dao… cùng các trò chơi dân gian thu hút du khách đến từ mọi miền đất nước. Tại đây, du khách có thể chứng kiến sự giao thoa tuyệt vời giữa các nền văn hóa, giữa người Kinh, người Bahnar cùng các dân tộc ít người khác, tất cả hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau để cùng phát triển tạo thành một nền văn hóa phong phú đa dạng mà vẫn có nét riêng rất đặc trưng ở Kbang.

Về Kbang, chúng ta còn được chiêm ngưỡng nét đẹp của nông thôn. Mùa nào thức ấy, mùa cà phê đang ra hoa trắng muốt, nở khắp sườn đồi, dọc đường đi Đắk Rông, Trạm Lập, Krông… Rồi những cánh đồng mía bạt ngàn xanh mướt, dợn sóng khi cơn gió thổi qua như: Kông Bơ La, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung; những vườn cam trĩu quả chín vàng ở Sơn Lang… Vài năm trở lại đây, thêm những vườn sầu riêng, bơ, nhãn… sai quả ở thị trấn Kbang, Nghĩa An, xã Đông.

Có thể khẳng định rằng, huyện vùng xa này có đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch. Vấn đề là làm như thế nào và từ đâu, khi nào.

Sau khi được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa, năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Núp. Tháng 5/2011, khu lưu niệm được khánh thành và đưa vào hoạt động.

mo-cua-thien-duong-du-lich-kbang-ky-1-4068.jpg

Phục dựng lễ tạ ơn của người Bahnar tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ảnh: Hoàng Ngọc

Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krông cũng được đầu tư xây dựng và khánh thành vào tháng 5/2018. Tại đây đã tái hiện lại các hạng mục chính cơ quan đầu não của tỉnh trong thời kháng chiến chống Mỹ như: nhà làm việc, hầm chỉ huy, bếp...

Ngoài các công trình được xây dựng, đường giao thông từ thị trấn Kbang về đây được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho xe cộ lưu thông. Đặc biệt, mấy năm gần đây, khu di tích vốn nằm giữa khu rừng già còn được các cơ quan, đoàn thể tổ chức trồng thêm cây lưu niệm xung quanh tạo cảnh quan môi trường xanh mát, hấp dẫn du khách.

Song song với công tác đầu tư tôn tạo cảnh quan, nhằm thu hút du khách đến với Kbang, đến nay, chính quyền địa phương đã tổ chức 5 lần ngày hội du lịch một cách quy mô, bài bản.

Sự kiện diễn ra trong nhiều ngày và tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: hội chợ, thi thể thao, thi nghề truyền thống, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng… thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến trưng bày, quảng bá sản phẩm.

Những năm qua, người dân trong huyện đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa vào những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mía, cà phê, mắc ca, cây dược liệu… cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi tiềm năng của địa phương. Bên cạnh đó còn tổ chức khai thác bền vững nhiều sản vật dưới tán rừng như: mật ong, nấm linh chi, quả xoay, quả sim… Đây chính là điều kiện ban đầu để phát triển loại hình dịch vụ du lịch nông nghiệp đang là xu hướng chung trong lĩnh vực du lịch xanh.

Một số gia đình sống gần các khu di tích lịch sử văn hóa hoặc nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đã đầu tư tổ chức mô hình homestay mang lại nguồn thu nhập đáng kể như các xã: Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Sơn Lang và thị trấn Kbang.

Với tiềm năng như Kbang, sự đầu tư như đã nêu là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Cùng với việc huy động các nguồn lực đầu tư cho du lịch, huyện cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên vốn có của địa phương.

Đã có nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu văn hóa có dịp lên Tây Nguyên, đặc biệt là về Kbang không khỏi thốt lên lời than phiền khi không còn thấy hình bóng nào nguyên mẫu của làng Bahnar, mặc dù đây là các làng đang làm du lịch cộng đồng.

Trong quá trình giao tiếp, phục vụ du khách của một số cơ sở làm du lịch theo hình thức homestay cũng chưa đạt được yêu cầu, mặc dù vẫn giới thiệu được ẩm thực truyền thống, dân dã của đồng bào địa phương. Đồng thời, quá trình làm du lịch của cộng đồng vẫn còn mang tính tự phát, chưa có sự chuẩn bị thấu đáo, bài bản.

Để có thể phát huy tiềm năng du lịch của mình, bên cạnh sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn ổn định, giữ được bản sắc, không pha tạp; xây dựng trang web quảng bá rộng rãi du lịch Kbang và liên kết tour, tuyến với các đơn vị lữ hành; chính quyền địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như các cá nhân tham gia làm du lịch, đặc biệt là ở những khu vực có danh thắng văn hóa, lịch sử.

Đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng làm du lịch cộng đồng, homestay, farmstay và bước đầu nghiên cứu thử nghiệm các tuyến du lịch mạo hiểm (trekking) vốn rất được du khách quốc tế ưa thích mà địa hình cao nguyên, rừng núi và sông suối, ghềnh thác ở Kbang rất phù hợp với loại hình này.

Một việc làm khác không kém quan trọng là hướng cho con em trong huyện theo học ngành du lịch và trở về làm việc tại địa phương, thậm chí tạo điều kiện cho vay vốn để có thể xây dựng, mở các cơ sở du lịch tư nhân.

Song song với công tác này là các nghệ nhân có tay nghề vững nên mở các lớp truyền dạy đan lát, dệt thổ cẩm, xoang, đánh cồng chiêng… Làm được như vậy phải chăng là chúng ta đã mở cánh cửa “thiên đường du lịch” Kbang.

Thanh Phong

Nguồn: Báo Gia Lai - baogialai.vn - Đăng ngày 22/10/2024