Bảo vệ tài nguyên nước vùng lòng chảo Điện Biên

Cập nhật: 16/11/2009
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, những năm qua, tại khu vực lòng chảo Điện Biên, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, cùng với ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng ô nhiễm nguồn nước có chiều hướng tăng, chưa đáp ứng được yêu cầu chiến lược phát triển bền vững.

Thực trạng ô nhiễm nguồn nước

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học Cổ truyền, bãi rác Noong Bua và hệ thống nước thải sinh hoạt của TP. Điện Biên Phủ.

Chỉ tính riêng địa bàn thành phố, lượng chất thải rắn từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế và rác thải sinh hoạt khoảng 30 tấn/ngày. Các loại rác thải được thu gom chôn lấp chung tại bãi rác Noong Bua đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Tại khu vực TP. Điện Biên phủ, nước thải ra sông Nậm Rốm khoảng 4.300m3/ngày. Các chất thải sinh hoạt, dầu nhớt, a xít, sắt... từ các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy không qua xử lý thải trực tiếp vào các sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Theo quan trắc của cơ quan chức năng trong năm 2008, mẫu nước lấy từ suối Hoong Lơi chảy qua khu Bệnh viện Y học Cổ truyền được đổ ra sông Nậm Rốm chứa nhiều chất độc hại như: Fe 2,01mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép 0,01mg/l. Nguồn nước hồ Huổi Phạ, Pa Khoang và sông Nậm Rốm chảy qua khu dân cư chứa nhiều tạp chất. Tuy nhiên, do thiếu nước sinh hoạt, nhiều người dân vùng nông thôn vẫn sử dụng nguồn nước từ sông, suối để tắm giặt và nấu ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ở bản Khe Chít, phường Noong Bua, do bãi rác tập kết cao nên vào mùa mưa, nước thải tự thẩm thấu qua lòng đất, chảy tràn xuống khu dân cư, khiến các ao thả cá ô nhiễm, cá chết hàng loạt.

Cần một giải pháp đồng bộ

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại lòng chảo Điện Biên, do nhiều công trình khi đưa vào sử dụng chưa đưa ra được tiêu chuẩn về tác động của dự án đối với môi trường. Mặt khác, do thiếu kinh phí vận hành nên một số công trình như Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nhưng sau 5 năm hoạt động, hệ thống này vẫn "đắp chiếu"...

Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thời gian qua, các cơ quan chức năng chưa tổ chức đánh giá hay điều tra về chất lượng nước và trữ lượng nước mặt và nước ngầm tại vùng lòng chảo Điện Biên. Bên cạnh đó, việc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước cho các mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh chưa được quản lý chặt chẽ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ quan tham gia quản lý, khai thác và sử dụng TNN như: ngành NN&PTNT; Trung tâm Nước sạch nông thôn; Công ty Xây dựng và Cấp nước. Trong đó, ngành TN&MT cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, quản lý các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước... Góp phần ngăn chặn tình trạng cạn kiệt nguồn nước, các ban, ngành liên quan cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên nước đến mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức khai thác tài nguyên nước. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

Nguồn: Bộ TN&MT