Các hệ sinh thái biển và ven biển có giá trị dịch vụ cực kỳ quan trọng như điều hòa khí hậu, dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa; đồng thời còn là nơi cư trú, sinh đẻ và ương nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật không chỉ vùng bờ, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa trong đó có nhiều loài đặc hải sản.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: "Ước tính mỗi năm khoản lợi nhuận thu được từ các hệ sinh thái biển và ven biển của Việt Nam từ 60-80 triệu USD, tức là khoảng 56-100 USD/năm/gia đình cư dân sống ở các huyện ven biển”.
Chỉ nói riêng về cồn cát ven bờ cũng đã có nhiều lợi ích cần được bảo vệ. Cồn cát là những vùng bờ biển giàu nguồn cát mịn, đường kính hạt trong khoảng từ 0,2 đến 2mm, bị khô khi thủy triều rút, bị sấy nóng do mặt trời. Những vùng bờ biển có gió mạnh thường xuyên trên 15km/giờ đều xuất hiện cồn cát.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định, cồn cát ven bờ có chức năng sinh thái không gì thay thế được, không phải là vùng đất hoang nên muốn phát triển bền vững vùng cồn cát đòi hỏi phải hiểu biết đúng đắn quy luật sinh thái của nó. Từ khi xuất hiện đến khi ổn định, cồn cát không hình thành đơn lẻ mà tạo thành một dãy cồn song song với mép nước biển như những làn sóng cát. Cồn sơ khai chưa có thực vật cư trú, có thể nhanh chóng biến mất cũng như nhanh chóng xuất hiện, cho đến khi những dạng thực vật thân cỏ đầu tiên xuất hiện cố định chúng lại, biến chúng thành cồn tiền tiêu.
Những loài thực vật đầu tiên xuất hiện trên các cồn tiền tiêu là những loài thân thảo bò lan có sức sống dẻo dai, chịu mặn, chịu gió và chống chịu được cát vùi. Cồn màu vàng xuất hiện sau khi có xác thực vật tích tụ nhiều và xuất hiện những lớp mùn cây đầu tiên trên mặt cồn. Cát trên cồn vẫn còn hơi mặn với độ pH kiềm nhẹ (khoảng 7,5) với những tích tụ muối kiềm và kiềm thổ nên thường có màu rám vàng trên bề mặt cồn. Những tích tụ mùn cây làm cho khả năng tích lũy chất dinh dưỡng và hơi nước tăng lên khiến cho thảm thực vật trên cồn cát cũng đa dạng hơn. Những loài bò sát nhỏ và động vật gậm nhấm đầu tiên cũng đến cư trú tại các cồn màu vàng nhờ sự phong phú của nguồn thức ăn thực vật và độ ẩm.
Cồn màu xám là thế hệ cồn cát thứ 4, ổn định hơn và xuất hiện nhiều thực vật bậc thấp như rêu và địa y giữa các khóm cây bụi, khiến cho độ che phủ thực vật trên cồn màu vàng có thể đạt đến 100% diện tích. Cồn trưởng thành xuất hiện cách mép nước biển hàng trăm mét. Những lớp đất điển hình xuất hiện trên mặt cồn kéo theo sự hình thành lớp phủ thực vật thân gỗ và cây bụi. Đây cũng thường là vùng canh tác của dân cư ven biển với tập đoàn cây trồng thường là cây lấy gỗ, cây ăn trái và cây màu.
Giữa cồn trưởng thành và cồn màu xám, hoặc xen kẽ giữa các cồn trưởng thành thường có các bàu nước, có thể là nước ngọt chất lượng tốt, nước lợ thậm chí nước mặn tùy theo cấu trúc thủy văn của vùng cồn. Đặc trưng của các bàu nước này là môi trường tù hãm và thường là nơi thuận lợi cho việc hình thành than bùn.
Một vùng bờ có thể có nhiều thế hệ cồn cát xuất hiện vào các thời kỳ địa chất khác nhau như vùng ven biển miền Trung Việt Nam có đến 4 thế hệ cồn cát lấy theo tên màu của cát, gồm cồn cát đỏ-loại cổ nhất, chỉ có ở Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận; cồn cát vàng nghệ, cồn cát trắng và cồn cát vàng xám-những loại trẻ nhất. Tại Khánh Hòa chỉ gặp 2 thế hệ là cồn cát trắng và cồn cát vàng xám ở bán đảo Đầm Môn và bán đảo Cam Ranh. Các hoạt động du lịch có thể làm mất lớp phủ thực vật, tăng xói mòn và nguy cơ cháy; chăn thả gia súc quá mức làm tăng xói mòn, giảm tính đa dạng sinh học trong lớp phủ thực vật cồn, nhất là trảng cỏ, phân gia súc làm tăng khả năng phú dưỡng các bàu nước.
Ngoài ra, cồn cát còn là nơi dễ dàng bị xâm lấn bởi các loài động thực vật khác và nơi đây dễ bị xói lở khi mực nước biển dâng cao hoặc bị tác động của bão tố. Các hoạt động nông nghiệp, làm sân golf, làm đường giao thông, khai thác cát, sa khoáng, nuôi tôm trên cát, bơm hút quá mức nước ngầm cũng sẽ phá vỡ cấu trúc cũng như tính ổn định của cồn cát.