Tranh dân gian Việt Nam, từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần người dân. Những dòng tranh như Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình, Kim Hoàng không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn chứa đựng những thông điệp về nhân sinh quan, tín ngưỡng và phong tục. Trong dòng chảy hiện đại, tranh dân gian đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự đổi mới để tồn tại và tiếp tục khẳng định giá trị trong đời sống đương đại.
Tranh dân gian là dòng tranh được tạo ra bởi cộng đồng các nghệ nhân dân gian, phản ánh đời sống, tín ngưỡng, phong tục và tâm tư của con người qua các thời kỳ lịch sử. Đây là một loại hình nghệ thuật thị giác gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc, mang đậm tính chất tập thể và bản sắc địa phương.
Tranh dân gian thường được sáng tác để phục vụ các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội hoặc các mục đích trang trí trong gia đình, thể hiện sự kết nối giữa con người với thần linh, tổ tiên và môi trường tự nhiên. Nội dung tranh phản ánh các chủ đề gần gũi với đời sống như cảnh sinh hoạt, phong tục tập quán, nhân vật lịch sử, truyện cổ tích hoặc biểu tượng cầu may, tài lộc. Tranh có phong cách sáng tạo nghệ thuật dân gian mộc mạc, lối vẽ đơn giản, khoáng đạt, màu sắc tươi sáng, dễ hiểu và dễ cảm nhận.
Chất liệu sáng tác tranh dân gian chủ yếu là giấy dó hoặc các loại giấy thủ công truyền thống, khác nhau tùy từng vùng miền. Màu sắc trong tranh được nghệ nhân chế tác từ các nguyên liệu tự nhiên như: đỏ từ gạch non, vàng từ hoa hòe, đen từ than tre, xanh từ lá chàm. Những màu này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn bền đẹp theo thời gian.
Chế tác tranh dân gian theo phương pháp truyền thống tại làng tranh Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Kỹ thuật chế tác tranh dân gian hầu hết đều kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình từ khắc gỗ, sau đó in và tô vẽ màu thủ công để đạt độ thẩm mỹ cho tác phẩm. Đề tài tranh phong phú, gần gũi với cuộc sống, từ cảnh sinh hoạt hằng ngày hay giáo dục đạo lý, đời sống tín ngưỡng, tới những ước nguyện tốt đẹp của người dân. Mỗi dòng tranh dân gian, dù là Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình hay Kim Hoàng, đều có những nét riêng biệt, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, giúp người xem cảm nhận được tinh hoa, bản sắc dân tộc qua từng nét vẽ, từng gam màu.
Khám phá những dòng tranh dân gian Việt
Cả ba miền đất nước đều có nhiều dòng tranh dân gian độc đáo, mỗi dòng tranh mang những đặc trưng riêng về phong cách, chất liệu và ý nghĩa văn hóa. Những dòng tranh này không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn là kho tàng văn hóa tinh thần của dân tộc, phản ánh ước vọng, niềm tin và đời sống tín ngưỡng người Việt ở các thời kỳ lịch sử.
Tranh làng Sình (Huế), là một trong những dòng tranh dân gian nổi bật, xuất hiện từ thế kỷ 15, chủ yếu phục vụ nhu cầu thờ cúng, tín ngưỡng và cầu an của người dân miền Trung. Tranh làng Sình in từ bản gỗ và tô màu thủ công trên giấy điệp. Màu sắc trong tranh khá đơn giản, nhấn mạnh tính chất tâm linh và tín ngưỡng. Các tác phẩm tranh vẽ các nhân vật thần linh, vật phẩm tế, tượng đế, tượng chùa và các đồ vật cúng như áo ông, áo bà, áo binh tiền… Tranh làng Sình là sản phẩm thủ công mang đậm yếu tố tín ngưỡng và văn hóa tâm linh của người dân miền Trung.
Một đại diện tiêu biểu khác của văn hóa Bắc Bộ là dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), phát triển rực rỡ vào thế kỷ 17-18, tranh được các nghệ nhân in từ bản khắc gỗ, in trên chất liệu giấy điệp. Tranh Đông Hồ nổi bật với màu sắc tươi sáng và nội dung bình dị, gần gũi với đời sống người dân. Chủ đề tranh phong phú, từ những bức tranh biểu tượng cho sự may mắn như "Đám cưới chuột", "Đàn lợn", "Gà trống", cho đến những tác phẩm như "Thiếu nữ hứng dừa", “Đánh ghen”, "Tố nữ", "Tứ quý", "Tứ bình". Tranh Đông Hồ không chỉ đẹp mà còn mang giá trị nhân văn, phản ánh khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội.
Bức tranh "Tứ Phủ Cộng Đồng" - một tuyệt tác của dòng tranh Hàng Trống in đậm màu sắc văn hóa dân gian, biểu đạt tín ngưỡng tứ phủ linh thiêng của người Việt.
Ra đời vào khoảng thế kỷ 16-17, tranh Hàng Trống (Hà Nội) gắn liền với bối cảnh lịch sử và xã hội Việt Nam, đặc biệt trong triều đại Lê - Trịnh. Tranh chủ yếu phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, lễ hội và trang trí gia đình. Các nghệ nhân Hàng Trống đã khéo léo sử dụng kỹ thuật khắc gỗ để in tranh trên giấy dó, sau đó tô màu bằng tay, tạo ra những tác phẩm đầy sắc màu, biểu trưng cho tín ngưỡng dân gian. Các tác phẩm nổi bật của tranh Hàng Trống như "Ngũ Hổ", "Bạch Hổ", "Đức Thánh Trần", "Ông Hoàng Ba", "Mẫu Thượng Ngàn", "Tứ Phủ Cộng Đồng", và "Tam Phủ". Những bức tranh này thường được dùng trong các gia đình, đình chùa để cầu may, bảo vệ gia đình khỏi bệnh tật, tai ương.
Xuất hiện vào nửa sau thế kỷ 18, tranh Kim Hoàng (Hà Nội) là một dòng tranh đặc biệt, mang yếu tố giao thoa giữa tranh Đông Hồ và sự tinh tế của tranh Hàng Trống. Tranh Kim Hoàng chủ yếu được in trên giấy dó, giấy hồng điều hoặc giấy vàng, có màu sắc rực rỡ và nổi bật. Những bức tranh nổi tiếng trong dòng tranh này bao gồm "Thần kê", "Lợn độc", "Tranh Tết", và "Tranh cầu may". Tranh Kim Hoàng không chỉ phản ánh các giá trị văn hóa dân gian mà còn thể hiện sự sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân chế tác.
Dòng tranh thờ miền núi phổ biến ở các dân tộc vùng cao phía Bắc như Tày, Nùng, Dao. Tranh được vẽ tay hoàn toàn, sử dụng màu tự nhiên, thường dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên và thần linh. Các chủ đề tranh thường là hình ảnh của các vị thần, tổ tiên, cùng những biểu tượng thiên nhiên và đời sống. Dòng tranh này mang đậm giá trị tâm linh và tinh thần của các dân tộc miền núi, giúp họ kết nối với cõi âm và thần linh.
Ra đời vào thế kỷ 19, tranh kính Nam Bộ mang phong cách trang trí lộng lẫy, thường thấy trong các đình chùa hoặc nhà giàu. Chủ đề của tranh kính Nam Bộ rất đa dạng, từ tranh thờ Phật, thần linh, cho đến các cảnh sinh hoạt và thiên nhiên. Tranh được vẽ trực tiếp trên kính với màu sắc rực rỡ, tạo nên những tác phẩm trang trí sống động và đầy tính thẩm mỹ. Đây là một dòng tranh độc đáo của miền Nam, phản ánh sự hòa quyện giữa văn hóa dân gian và nghệ thuật trang trí.
Các dòng tranh dân gian Việt Nam không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn là kho tàng văn hóa, ghi lại những giá trị tinh thần, tín ngưỡng và tri thức dân gian. Mỗi bức tranh đều mang trong mình một câu chuyện, phản ánh khát vọng sống tốt đẹp, sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, và tinh thần lạc quan trong cuộc sống của người dân các vùng miền. Những dòng tranh này không chỉ tồn tại trong quá khứ mà còn góp phần làm phong phú nền văn hóa đương đại, đồng thời giữ vững giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tranh dân gian Việt - di sản xưa, vẻ đẹp mới
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi kinh tế, văn hóa và công nghệ ngày càng giao thoa, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trở thành nhiệm vụ quan trọng. Văn hóa không chỉ là đời sống tinh thần của một dân tộc còn là nền tảng tạo nên bản sắc riêng biệt, khẳng định vị thế đất nước trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập, những giá trị văn hóa của Việt Nam không chỉ đối mặt với nguy cơ bị mai một, mà còn có thể bị "hòa tan" vào dòng chảy toàn cầu. Các yếu tố ngoại lai, những trào lưu văn hóa mới lạ và hấp dẫn đôi khi có thể làm lu mờ những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc.
Tranh dân gian - một trong những di sản quý báu là minh chứng rõ rệt cho thách thức này. Nhiều làng nghề từng là cái nôi của loại hình nghệ thuật này dần bị mai một, nghệ nhân ngày một vắng bóng. Sự lên ngôi của các sản phẩm in ấn công nghiệp giá rẻ và sự thay đổi thị hiếu của người sử dụng khiến các dòng tranh như Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình dần mất đi vị trí trong đời sống người Việt. Thậm chí, nhiều người trẻ ngày nay không còn biết đến những dòng tranh này, khiến di sản văn hóa quý báu đứng trước nguy cơ bị lãng quên.
Tuy nhiên, chính trong thử thách này, chúng ta lại tìm thấy cơ hội để nhìn nhận lại và tôn vinh những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Nhiều nghệ nhân và nhà nghiên cứu, thợ giỏi ở các làng tranh đã năng động, thích ứng và sáng tạo ra những sản phẩm mới, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, để đưa tranh dân gian đến gần hơn với công chúng. Các bức tranh dân gian không chỉ được giữ gìn trong các bảo tàng, mà còn được ứng dụng trong trang trí nội thất, quà tặng, sản phẩm du lịch, và các sản phẩm tiêu dùng hiện đại. Hiện nay, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi làm tranh ở các làng nghề truyền thống đã có mức thu nhập khá cao, công việc làm tranh ổn định, góp phần trực tiếp để duy trì và phát triển nghề làm tranh dân gian.
Các nghệ sĩ trẻ đã khéo léo sử dụng tranh dân gian Đông Hồ trong những sáng tạo nghệ thuật đương đại, góp phần kết nối truyền thống và hiện đại, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa dân gian Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Một điển hình là các nghệ sĩ trẻ sử dụng tranh dân gian như một công cụ để truyền tải thông điệp về bảo tồn văn hóa và sáng tạo nghệ thuật đương đại. Các mẫu tranh Đông Hồ, Kim Hoàng được đưa vào các sản phẩm như áo phông, túi xách, tranh vẽ tường, đồ lưu niệm và thậm chí là đồ gia dụng. Các hình ảnh trong tranh dân gian, với tính biểu tượng cao, đang được tái hiện lại với màu sắc hiện đại, pha trộn giữa nét cổ kính và hơi thở của thời đại mới. Các công nghệ hiện đại như số hóa tranh và các dự án thực tế ảo giúp quảng bá loại hình nghệ thuật này đến với công chúng toàn cầu, mở ra cơ hội mới để tranh dân gian vươn xa. Những bộ sưu tập tranh được số hóa, các dự án thực tế ảo giúp người xem dễ dàng tiếp cận và khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống của Việt Nam từ bất cứ đâu.
Công nghệ và truyền thông hiện đại đang là một công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ và quảng bá văn hóa Việt Nam. Sự phát triển của internet, các nền tảng xã hội và truyền hình trực tuyến mở ra những cơ hội lớn để lan tỏa những giá trị văn hóa đến toàn cầu. Việc số hóa các di sản, tổ chức các sự kiện văn hóa quốc tế và tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tôn vinh văn hóa Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Việc kết hợp các công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất tranh dân gian là một bước đi quan trọng để bảo tồn giá trị truyền thống. Các phương pháp in ấn kỹ thuật số hay sự phát triển của các nền tảng trực tuyến giúp tranh dân gian tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn, tạo cơ hội để các nghệ nhân truyền bá văn hóa dân gian tới công chúng toàn cầu. Sự chuyển mình của tranh dân gian không chỉ là câu chuyện bảo tồn mà còn là hành trình tái sinh để tiếp tục đóng vai trò như một “đại sứ văn hóa” của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tranh dân gian Việt Nam - từ ký ức ngàn đời nay - vẫn đang viết tiếp câu chuyện của mình trong nhịp sống mới, trở thành biểu tượng kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và sáng tạo./.
Bài, ảnh: N Dương