Rạn san hô ở Tam Hải: Bảo tồn trước nguy cơ hủy diệt

Cập nhật: 17/11/2009
Ở vùng biển Quảng Nam, rạn san hô phát triển tại 2 khu vực khác nhau: đảo Cù Lao Chàm (Hội An) và khu vực mũi An Hòa (thuộc thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành). Được mệnh danh là “khu rừng đặc dụng của biển”, thế nhưng rạn san hô ở Tam Hải đang đứng trước nguy cơ xâm hại nghiêm trọng…

Những giá trị đặc biệt

Theo số liệu điều tra khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang, huyện Núi Thành có gần 1.000ha thảm cỏ biển, có 2 kiểu rạn san hô chính là kiểu rạn riềm ven các đảo và kiểu rạn nền trên các bãi cạn, đồi ngầm. Kiểu rạn nền có thành phần đa dạng và độ phủ cao hơn. Thành phần và độ phủ của san hô thường từ 30-35%, có nơi độ phủ đạt 100%. Rạn san hô ở biển xã Tam Hải có đa dạng sinh học cao, phong phú về nguồn lợi thuỷ sản.

Sinh sống gần các rạn san hô này là những cư dân thôn Thuận An (xã Tam Hải). Họ sống chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản trong hệ sinh thái san hô và vùng biển ven bờ. Thôn Thuận An có chiều dài bờ biển 4km, với những vách đá dựng đứng nằm ở khu vực Bàn Than. Theo điều tra, khu vực này có khoảng 225 loài cá thuộc 96 giống và 35 họ, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao. Số loài được ghi nhận nhiều hơn so với vùng biển Cù Lao Chàm, vốn là nơi đang xây dựng thành Khu bảo tồn biển. Ngoài ra, ở đây còn có 41 loài rong biển thuộc 25 giống, 15 họ, 3 ngành; 2 trong 4 loài tôm hùm có giá trị kinh tế; nhiều loài da gai, giáp xác, thân mềm như cua Huỳnh Đế, ốc, trai, ngọc… khiến cho vùng biển rạn san hô Tam Hải càng thêm đa dạng, phong phú.

Đối diện nguy cơ

Trong xu thế phát triển du lịch sinh thái như hiện nay, việc gìn giữ, bảo tồn rạn san hô vùng biển Tam Hải là rất cần thiết và cấp bách. Thực tế trong những năm qua do áp lực của sự phát triển kinh tế, sự gia tăng nhanh về dân số vùng ven biển, nghề khai thác ven bờ tiếp tục phát triển và ngày càng hiện đại… khiến cho rạn san hô ở đây bị ảnh hưởng nhiều. Đó là sự khai thác quá mức, thiếu kiểm soát, thậm chí sử dụng nhiều phương pháp khai thác mang tính huỷ diệt như chất nổ, xung điện, chất độc và khai thác những loài hải sản chưa trưởng thành… Trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, các hoạt động kinh tế đang diễn ra năng động nhưng việc bảo vệ đa dạng sinh học môi trường biển lại chưa được chú ý tương xứng. Mặt khác, những cơn bão và lũ lụt gây xói lở cửa biển cũng đã gây chết và giảm độ phủ của rạn san hô biển…

Từ nhiều nguyên nhân khác nhau, rạn san hô vùng biển Tam Hải đang ngày càng suy giảm, đa dạng sinh học, môi trường biển bị suy thoái, nguồn lợi thuỷ sản theo đó cũng đang dần cạn kiệt, đời sống ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Trước nguy cơ đó, tháng 2/2009, dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô, góp phần bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Tam Hải” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEFSGP) tài trợ đã được triển khai. Tổng kinh phí đầu tư gần 1,39 tỷ đồng, trong đó GEFSGP tài trợ gần 830 triệu đồng. Dự án kéo dài đến tháng 6-2011.

Tuy nhiên, để thực hiện dự án trên, rất cần sự vào cuộc của chính quyền, đặc biệt là vai trò của cư dân địa phương. Hội phụ nữ huyện Núi Thành (đơn vị tổ chức thực hiện dự án này) hiện đang tích cực phối hợp tổ chức đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, tham quan các địa phương có rạn san hô, giải thích cho nhân dân hiểu được tầm quan trọng của rạn san hô và hệ sinh thái biển đối với đời sống nhân dân cũng như môi trường, du lịch…

Rạn san hô cùng với đa dạng sinh học của nó đã gắn bó lâu đời với người dân Tam Hải. Đây là cơ hội để Tam Hải trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của du khách, nhất là những nhà đầu tư ở Khu Kinh tế Dung Quất và Khu Kinh tế mở Chu Lai. Do vậy, việc bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải trở nên cấp thiết.

Nguồn: Theo báo Quảng Nam