Với mục tiêu trở thành thành phố kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, thời gian qua TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã chủ động, tích cực triển khai nhiều nội dung quan trọng, trong đó chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, du lịch lành mạnh.
Thành phố chỉ đạo bộ phận chuyên môn tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, quản lý các hoạt động tại lễ hội, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng... để không xảy ra việc lợi dụng tuyên truyền và tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan. Đồng thời, thành phố cũng chú trọng quản lý môi trường kinh doanh du lịch đảm bảo an toàn, văn minh; duy trì đường dây nóng du lịch, kịp thời giải quyết các kiến nghị của du khách; kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, dịch vụ.
Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh) kiểm tra việc niêm yết giá cả tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Trang
Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã tiếp nhận giải đáp, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho 502 trường hợp thông qua đường dây nóng và qua rà quét các thông tin trên MXH; tổ chức kiểm tra 204 lượt cơ sở lưu trú, nhà hàng, tàu du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, qua đó xử phạt 42 cơ sở với số tiền 219,5 triệu đồng; kiểm tra 115 cơ sở kinh doanh, hoạt động ở lĩnh vực văn hóa, qua đó xử phạt 27 cơ sở với số tiền gần 550 triệu đồng. Các hoạt động quảng cáo trên địa bàn cũng được quản lý chặt chẽ.
Mặt khác, TP Hạ Long cũng đẩy mạnh triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó chú trọng việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; xã, phường tiêu biểu; thành phố, phường đạt chuẩn đô thị văn minh... để góp phần phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ.
Cùng với đó, các xã phường tích cực vận động người dân thực hiện hiệu quả các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh; đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị văn hóa thông qua các hình thức mới đa dạng, phong phú, như: Lắp đặt 5 phiến đá tại vị trí trung tâm, tạo điểm nhấn trong phát triển văn hóa của thành phố; xây dựng phương án cải tạo, chỉnh trang tạo điểm nhấn phát triển du lịch khu vực hai bên tuyến đường lên đồi Đặng Bá Hát thuộc phường Hồng Gai và Trần Hưng Đạo; chỉnh trang, đặt công trình biểu tượng tại khu vực ngã 3 Trần Hưng Đạo - Trần Quốc Nghiễn...
Đoàn rước Đức Ông vi hành tại Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Ảnh: Nguyễn Dung
Thành phố còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đa dạng hoá hình thức biểu diễn nghệ thuật lành mạnh phục vụ nhân dân địa phương; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân như hộ kinh doanh Đồi Mặt Trời, Công ty CP Hạ Long Pacific... thực hiện mô hình du lịch âm nhạc, tổ chức các show ca nhạc mời ca sĩ nổi tiếng biểu diễn trên địa bàn, gắn với việc quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người TP Hạ Long. Đồng thời khuyến khích tổ dân, thôn, khu phố tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp. Điều này đã tạo ra sân chơi tinh thần lành mạnh cho người dân.
Việc bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa Hạ Long, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng trên địa bàn cũng được thành phố quan tâm. Đến nay, thành phố đã từng bước hoàn thiện các quy hoạch tại các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, làm cơ sở để quản lý đất đai, xây dựng, có lộ trình huy động nguồn lực thực hiện tu bổ, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích, gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch tại địa phương. Hiện đã có 18 di tích có quy hoạch chi tiết, 2 di tích được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch di tích. Thành phố tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đối với các di tích chùa Thanh Vân (xã Sơn Dương), đình - miếu Yên Cư (phường Đại Yên). Các di tích còn lại đã được cập nhật, đưa vào các quy hoạch.
Hội làng Bằng Cả năm 2024 tổ chức tại Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Ảnh: Hồng Phương
Các lễ hội truyền thống trên địa bàn tiếp tục được duy trì và phát huy, nâng cao chất lượng tổ chức, gắn với phát triển du lịch, như: Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, lễ hội đền Vua Lê, hội làng Bằng Cả, lễ hội đình - miếu Yên Cư, đình Trới... Các lễ hội trên địa bàn đã gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Hạ Long và mỹ tục truyền thống văn hóa lâu đời tốt đẹp, độc đáo của dân tộc; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tâm thức hướng về nguồn cội của cộng đồng.
Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội” với 17 lễ hội, sự kiện cấp tỉnh, thành phố và 14 lễ hội, sự kiện quy mô xã, phường; trong đó các sự kiện có quy mô quốc gia, có sự tham gia của các đoàn quốc tế. Cùng với đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở VHTT lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y tỉnh Quảng Ninh (trong đó có Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y TP Hạ Long) và Lễ mừng cơm mới của người Tày…
Việc xây dựng môi trường văn hóa, du lịch lành mạnh ở TP Hạ Long đã góp phần đáng kể trong thu hút khách du lịch đến địa bàn; tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thu Nguyệt