(TITC) - Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước biến các di sản này thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Hiện nay huyện đã và đang triển khai nhiều biện pháp để kết hợp giữa phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, đồng thời biến di sản văn hóa thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách và tạo ra những trải nghiệm độc đáo.
Yên Lạc chú trọng phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa thông quá các lễ hội
Yên Lạc với bề dày lịch sử và văn hóa, là một vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Nơi đây có 226 di tích, trong đó có 11 di tích quốc gia và 100 di tích cấp tỉnh, đặc biệt là tháp gốm men chùa Trò (xã Yên Phương) đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Những di tích này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn là những tài sản quý giá cần được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh các di tích, Yên Lạc còn nổi bật với 52 lễ hội truyền thống, trong đó Lễ hội đền Thính (thị trấn Tam Hồng) và Lễ hội đền Gia Loan - chùa Biện Sơn (thị trấn Yên Lạc) thu hút đông đảo du khách, tạo cơ hội để quảng bá văn hóa địa phương.
Ngoài các di tích lịch sử, Yên Lạc còn nổi tiếng với 8 làng nghề thủ công truyền thống. Những làng nghề như làng chế biến tơ nhựa Tảo Phú và làng mộc Lũng Hạ không chỉ sản xuất những sản phẩm độc đáo mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của du lịch làng nghề. Du khách đến với Yên Lạc không chỉ được chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công truyền thống mà còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa đặc sắc, trải nghiệm đời sống của người dân địa phương.
Huyện Yên Lạc cũng chú trọng đến phát triển du lịch cộng đồng và du lịch tâm linh. Các lễ hội truyền thống kết hợp với các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy và vật dân tộc tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút sự tham gia của cộng đồng và du khách. Đây là cơ hội để du khách khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc của Yên Lạc, đồng thời tạo ra những trải nghiệm độc đáo và khó quên.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Yên Lạc đã triển khai các giải pháp như tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử và thực hiện các đề án bảo vệ di tích khảo cổ học Đồng Đậu. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích các địa phương phát triển du lịch làng nghề, xây dựng các dự án lớn như Quảng trường Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện và tu bổ đền Thính, nhằm nâng cao giá trị văn hóa và phát triển ngành du lịch.
Tuy nhiên, du lịch Yên Lạc vẫn chưa phát triển tối đa tiềm năng của mình. Lượng khách du lịch đến huyện vẫn còn khiêm tốn, các sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng và hấp dẫn. Các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch còn hạn chế, trong khi các dịch vụ du lịch vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách. Để thúc đẩy sự phát triển du lịch, Yên Lạc cần nâng cao sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản và khuyến khích sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ và phát huy di sản.
Ngoài ra, Yên Lạc cần tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, phát triển các lớp đào tạo và tập huấn về quản lý di tích cho cán bộ địa phương. Đẩy mạnh quảng bá các điểm đến du lịch qua các nền tảng số là một giải pháp quan trọng để giới thiệu di sản văn hóa, lễ hội và các dịch vụ du lịch của huyện. Điều này không chỉ giúp thu hút du khách mà còn bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế từ ngành du lịch.
Với những giải pháp phát triển du lịch bền vững và bảo tồn di sản văn hóa, Yên Lạc đang mở ra hướng đi mới, không chỉ bảo vệ các giá trị lịch sử mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Trung tâm Thông tin du lịch