Trà Vinh: Bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 22/12/2024
(TITC) - Trà Vinh có nền văn hóa phong phú, đa dạng thông qua các hoạt động lễ hội tôn giáo, các loại hình nghệ thuật, ngành nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc trưng riêng. Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng dân tộc thiểu số để phát triển du lịch.

Đoàn Famtrip Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chụp ảnh lưu niệm ở Chùa Âng - Ảnh: TITC

Với đặc điểm là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đông nhất là đồng bào Khmer, Hoa, Chăm, tỉnh Trà Vinh là nơi hội tụ những nét văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Phát huy những lợi thế về văn hóa Khmer, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai cơ chế, chính sách hướng đến cộng đồng dân tộc Khmer nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng, thế mạnh bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số địa phương, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc.

Gốc cây trong Danh thắng Quốc gia ao Bà Om - Ảnh: TITC

Để văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trở thành di sản văn hóa đặc trưng riêng biệt, những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo cùng nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc như: Lễ Chôl Chnăm Thmây; Ok Om Bok; Sen Dolta; hát múa Rô Băm, sân khấu kịch hát Dù Kê, nghệ thuật biểu diễn Chầm Riêng Chà Pây, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa, các tác phẩm văn học dân gian.…

Đến với Làng du lịch văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh. Du khách được ngắm nhìn những bức bích họa sinh động về lễ hội truyền thống, nghề thủ công và những nét sinh hoạt thường ngày của đồng bào Khmer. Bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo của cộng đồng dân tộc Khmer ở Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng đang trở thành nguồn tài nguyên, chất liệu để địa phương tạo nên sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.

Đến với Trà Vinh du khách còn được thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian Khmer như dàn nhạc ngũ âm, múa trống xa dăm, các điệu múa dân tộc, khảo sát làng nghề, ẩm thực, tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mặt nạ truyền thống, thưởng thức các món đặc sản dân tộc Khmer.

Du khách tham quan con đường bích họa - Ảnh: TITC

Không chỉ góp phần làm phong phú sắc màu bức tranh du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch, mà còn giúp thay đổi diện mạo và đời sống của người dân ở vùng có đông đồng bào Khmer. Tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch xanh, thân thiện môi trường. Quan trọng hơn, đây cũng còn là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở Việt Nam trước guồng quay của xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế.

Thời gian qua chính quyền các cấp đã vận động cùng bà con nhân dân trong ấp thực hiện chỉnh trang khu phố, tôn tạo đường xá từ đường đất thành bê tông, xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng để khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Trải nghiệm làng nghề đan đát với nghệ nhân Thạch Hưng - Ảnh: TITC

Du khách cũng có thể đến với các sản phẩm du lịch sinh thái tại Trà Vinh như Ao Bà Om, KDL Cồn Chim, biển Ba Động và các khu sinh thái ven sông Hậu, đây là những trải nghiệm du lịch thân thiện với môi trường góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng.

Trải nghiệm làng nghề chế biến món ăn cốm dẹp của gia đình nghệ nhân Thạch Sang - Ảnh: TITC

Ngoài việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Trà Vinh còn chú trọng quảng bá di sản văn hóa và các điểm du lịch cùng xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên hiểu được giá trị truyền thống quê hương và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số của tỉnh để du khách luôn nhớ về một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đa sắc màu về văn hóa phát triển du lịch.

Tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi nổi qua các sự kiện  hoạt động lễ hội nhiều cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật dân tộc Khmer để đồng bào tự nâng cao ý thức bảo tồn và truyền dạy cho các thế hệ mai sau nối tiếp mạch nguồn văn hóa dân tộc mình.

Trung tâm Thông tin du lịch