Là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam sẽ góp tiếng nói mạnh mẽ để cùng với 192 nước trên thế giới đạt được mục tiêu của Hội nghị lần thứ 15 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP15) đang diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch).
Trao đổi với phóng viên TTXVN đưa tin từ Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết tại hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa ra thông điệp nhấn mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu giờ đây không còn là sự lựa chọn mà là bắt buộc. Cùng với sự nỗ lực của mỗi quốc gia, cần có sự hợp tác, phối hợp hành động chung trên phạm vi toàn cầu để thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách cả về giảm nhẹ và thích ứng.
Việt Nam cho rằng, Nghị định thư Kyoto phải tiếp tục là văn bản pháp lý cơ bản trong đàm phán về biến đổi khí hậu, nhưng sẽ bổ sung thêm các điều khoản quy định cụ thể trách nhiệm của các nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất hiện nay.
Ngoài ra, để giúp thế giới hiểu rõ hơn các nỗ lực của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như những khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt do tình trạng ấm lên toàn cầu và nước biển dâng, trong khuôn khổ hội nghị, Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên chủ trì, cùng với Bộ trưởng Môi trường Đan Mạch đồng chủ trì hội nghị về rừng và tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương với Anh, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Trung Quốc…
Qua các cuộc tiếp xúc này, Việt Nam hy vọng các nước sẽ nhìn nhận đầy đủ hơn những khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, qua đó tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, Việt Nam đã cử đoàn chuyên viên đông nhất từ trước tới nay tới tham dự hội nghị, gồm 26 người từ nhiều bộ, ngành khác nhau. Trong thời gian diễn ra hội nghị, các thành viên đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động vào các cuộc họp, đặc biệt là cuộc họp của nhóm G77 và Trung Quốc.
Tại đây, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể cho dự thảo tuyên bố của nhóm, tái khẳng định quan điểm yêu cầu các nước phát triển có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc giảm phát thải khí nhà kính theo tinh thần Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đề xuất tham gia Nhóm đầu mối về giảm thiểu phát thải do phá rừng và suy thoái rừng.
Việt Nam hy vọng với sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, hội nghị lần này sẽ đạt được thỏa thuận về mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển và những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Hội nghị lần này không những là dịp để các nước thể hiện sự đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà còn mở ra cơ hội cho việc đổi mới công nghệ theo hướng ít cacbon, thân thiện với môi trường và có hiệu suất cao".