Tiếp tục các hoạt động tích cực tại Hội nghị lần thứ 15 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 15) đang diễn ra ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, tối 14/12 (tức sáng 15/12 giờ Việt Nam), đoàn chuyên viên Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu".
Hội thảo nhằm giới thiệu về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: "Mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu song Chính phủ Việt Nam cam kết ứng phó hiệu quả trên cơ sở thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP) và sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế."
Tại hội thảo, đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày các tham luận về thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng như những chính sách, chiến lược và hành động ứng phó của Việt Nam trong việc thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi.
Các bài tham luận đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu đến từ nhiều nước và tổ chức quốc tế. Những nội dung được chú ý nhiều nhất là mực nước biển dâng, công tác quản lý rủi ro thiên tai, cơ chế quản lý và bảo vệ rừng, việc tìm kiếm nguồn tài chính thực hiện NTP, khả năng phát triển năng lượng sạch từ gió, mặt trời và kinh nghiệm hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ...
Đây là lần đầu tiên đoàn Việt Nam tổ chức hoạt động bên lề tại COP 15.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: "Hoạt động này không chỉ giúp cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ hiểu rõ hơn về hiện trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam, về những nỗ lực và biện pháp ứng phó mà Việt Nam đang thực hiện, mà còn là cơ hội kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn nữa cho Việt Nam trong thời gian tới."
Giám đốc Chương trình Liên hợp quốc về giảm phát thải do chống phá rừng và suy thoái rừng (UN-REDD), ông Yern Katerere, cũng nhấn mạnh đây là một hoạt động rất tốt của Việt Nam trong nỗ lực giới thiệu để các nước khác hiểu hơn về thực trạng cũng như các biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Katerere, đây còn là cơ hội để các nước đang phát triển chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của nhau, đặc biệt khi Việt Nam là nước có rất nhiều kinh nghiệm và bài học tốt trong việc thực hiện giảm phát thải từ chống phá rừng và suy thoái rừng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Hợp tác phát triển và Các vấn đề nhân đạo của Công quốc Luxembourg, bà Marie Josee Jacobs.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với nguy cơ mất tới 40% diện tích ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, việc đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam cũng chính là đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới vì hiện tại sản lượng gạo của Việt Nam không những đáp ứng đủ nhu cầu cho 87 triệu người dân trong nước mà còn đủ để cung cấp cho khoảng 100 triệu người dân thế giới.
Bà Mari cam kết Luxembourg sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và sẽ dành cho Việt Nam một phần trong tổng kinh phí, khoảng 1% ngân sách, để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước đó, chiều 13/12, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã có bài phát biểu tại diễn đàn "Quan điểm toàn cầu về rừng và biến đổi khí hậu".
Bộ trưởng nhấn mạnh công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Việt Nam thông qua việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về lâm nghiệm, đồng thời nêu rõ nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới. Bộ trưởng kêu gọi thế giới cùng chung tay hành động để bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu./.