Tràm U Minh Thượng chết vì… ngập nước

Cập nhật: 15/12/2009
Việc giữ nước trong vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng, Kiên Giang trở nên rất có hiệu quả trong việc chống cháy, nhưng điều này lại làm ảnh hưởng không nhỏ đến cây tràm và làm suy thoái hệ sinh thái cũng như tính đa dạng sinh học của VQG.

Sau vụ cháy lớn năm 2002 thiêu rụi gần 4.000 ha rừng tràm nguyên sinh, vùng lõi VQG U Minh Thượng thường được “trữ” đầy nước để “ưu tiên chống lửa”, nhiều đê bao cũng đã được xây quanh rừng... Nhưng những phương án này vô hình chung đã tạo thành một cái “ao nước lớn” và dẫn đến nhiều hệ lụy: cây tràm bị “bệnh”, nguồn nước ô nhiễm.

Theo PGS. TS Đoàn Cảnh (Viện Sinh học nhiệt đới), cây tràm ở nhiều nơi trong VQG phát triển rất kém, bộ rễ yếu, không bám sâu xuống đất mà lơ lửng phía trên, cây phát triển mất cân đối: thân cây cao vót nhưng kích thước lại nhỏ... vì vậy, nhiều cây đã bị ngã đổ và khô đọt (chết khô từ ngọn trở xuống). Không những vậy, nguồn nước nơi đây cũng đang bị ô nhiễm và có mùi thối, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái VQG.

Ông Lê Hoàng Hưởng - Giám đốc VQG U Minh Thượng cho biết, việc quản lý rừng đúng là đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Vì nếu giữ nước thì tràm phát triển chậm, không đồng đều, hệ sinh thái và đa dạng sinh học bị suy thoái. Nhưng nếu không trữ nước thì mùa khô rừng sẽ kiệt nước và nguy cơ cháy sẽ rất cao.

Tại một hội thảo bàn về bảo tồn và phát triển bền vững rừng tràm U Minh Thượng (tổ chức ngày 30/11), nhiều ý kiến cho rằng cần phải tìm giải pháp điều tiết nước tối ưu cho VQG này. Tuy nhiên, do địa hình bên trong rừng không bằng phẳng nên công việc này sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu điều tiết nước không khéo, rừng sẽ kiệt nước, còn giữ nước nhiều thì tràm cũng không “trụ” được.

Vừa qua, VQG đã dỡ thí điểm hệ thống cống ngăn nước nhằm... tiêu thoát nước. Ông Hưởng cho biết, nếu phương án này thành công thì VQG sẽ kiến nghị và tiếp tục điều chỉnh việc giữ nước sao cho đạt kết quả tối ưu.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường